Chiều 15-5, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi họp thảo luận kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”, đồng thời đề xuất những giải pháp, định hướng về cơ chế, chính sách giảm nghèo cho nhiều năm tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan.
Chiều 15-5, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi họp thảo luận kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”, đồng thời đề xuất những giải pháp, định hướng về cơ chế, chính sách giảm nghèo cho nhiều năm tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Trong nhiều năm qua, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo đã từng bước được thể chế hóa thông qua việc xây dựng pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu và chính sách cụ thể với phương châm mang tính nguyên tắc đó là “kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội”, “thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc, giữa các tầng lớp dân cư”.Từ năm 1993 đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo đã đi qua năm giai đoạn chính, Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Mặc dù, từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế chịu tác động của suy thoái kinh tế, một số năm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong đó có người nghèo, các thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam vẫn được khẳng định qua kết quả của các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá và ghi nhận. Công tác xóa đói giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, chuyển từ diện rộng trong phạm vi cả nước sang tập trung ở một số vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, chính sách giảm nghèo đã hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo và chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững.Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các Nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005-2012 tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,3-2,5%. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2005-2012, có khoảng gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp khoảng 2.4 triệu hộ thoát nghèo; hỗ trợ đầu tư 468 cơ sở đào tào nghề, qua đó khoảng 150 nghìn lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, đạt 100% kế hoạch, 60% số lao động này đã tự tạo việc làm hoặc tự tìm được việc; Đến năm 2012, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được mua thẻ bảo hiểm y tế, khoảng trên 15 triệu người; Từ năm 2005-2010, có khoảng 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, đào tạo 12.812 học sinh theo chính sách cử tuyển; Xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với ba triệu lượt người nghèo tham gia; tổ chức 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được triển khai nhân rộng ở 218 xã thuộc 35 tỉnh, tổng số hộ tham gia mô hình là 27.566 hộ, trong đó 77% là hộ nghèo, sau mỗi năm thực hiện mô hình, số hộ nghèo tham gia mô hình đã tăng thêm 15% ngày công làm việc, thu nhập của hộ tăng từ 20-25% và 15% số hộ nghèo tham gia mô hình đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ, tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn có khoảng cách khá lớn. Đến năm 2012, chỉ có 3 vùng tỷ lệ nghèo dưới 10%, gồm Đông Nam Bộ đạt 1,27%, Đồng bằng sông Hồng 4,89% và Đồng bằng sông Cửu Long 9,24%, trong khi đó tỷ lệ nghèo cao lại tập trung các vùng miền núi như Tây Bắc 28,55%, Đông Bắc 17,39%, Tây Nguyên 15%, có 1/5 số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 20%.
Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, nhưng tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào DTTS chiếm gần 50% số người nghèo của cả nước. Năm 2012, các xã 135 tỷ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40%, cá biệt có nơi trên 50%, thậm chí đến 60%-70%. Thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hàng năm còn cao (bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tách hộ…, trong đó hộ phát sinh nghèo chiếm khoảng 60% trong số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo).
Về nguyên nhân và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong giai đoạn thực hiện vừa qua, báo cáo cũng chỉ rõ đó là do sự chồng chéo về chính sách, tuy không trùng chéo về nguồn lực nhưng đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư. Trong khi khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn rất hạn chế thì việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn lại được bố trí kinh phí từ nhiều chương trình khác nhau như Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình nông thôn mới…Ngoài ra, điều kiện kinh tế - xã hội địa lý của các địa bàn nghèo nhất còn khó khăn, do xuất phát điểm thấp, kinh tế phát triển chậm, khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, thiếu nguồn nước, trình độ dân trí thấp...., vẫn còn sự tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu trong một số địa bàn đồng bào DTTS. Một số chính sách chưa gắn với điều kiện tham gia của người nghèo nên hiệu quả giảm nghèo còn hạn chế ở một số địa phương, một số bộ phận cán bộ và người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ chính sách nhà nước. Việc chưa lồng ghép được chính sách giữa các chương trình, dự án đã ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo, hiện nay có 16 chương trình mục tiêu quốc gia đang được thực hiện, yêu cầu lồng ghép nguồn lực trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, mỗi chương trình lại có mục tiêu, đối tượng, cơ chế quản lý, thanh toán riêng, rất khó thực hiện lồng ghép.
Về đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự, các ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập nhiều nội dung chủ yếu trong báo cáo giám sát, trong đó nhấn mạnh cần đổi mới về xây dựng chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai các chương trình giảm nghèo, cần rà soát lại hiệu quả thực sự của từng chính sách để tạo động lực giảm nghèo cho người dân và để khuyến khích người dân chủ động vươn lên. Chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo... cũng như xem xét xây dựng các mô hình liên kết mang tính bền vững, trọng tâm, trọng điểm hơn, có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn để thúc đẩy, kích thích các doanh nghiệp đầu tư ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước: Mặc dù có đầu tư rất lớn nhưng so với nhu cầu, vấn đề giảm nghèo ở vùng có đông bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đạt được. Đề nghị trong báo cáo cần làm rõ hơn chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn miền núi còn nhiều yếu kém.Thời gian tới, ông cho rằng “cần bước đột phá về tư duy, hoàn thiện chính sách các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này và giải quyết công ăn việc làm giúp nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số”.
Tại phiên họp, một số ý kiến tán thành Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, trong đó ông Phan Trung Lý kiến nghị nên chăng có xây dựng luật về giảm nghèo không? Hoặc đưa những nội dung liên quan vào các luật trình tại Kỳ họp thứ Bảy tới đây để cơ chế, chính sách giảm nghèo mang tính bền vững.