Theo Chính phủ, hiện nay cả nước có 7/63 tỉnh, thành phố nâng chuẩn nghèo của địa phương cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách cho đối tượng nghèo theo chuẩn của địa phương về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi.
Theo Chính phủ, hiện nay cả nước có 7/63 tỉnh, thành phố nâng chuẩn nghèo của địa phương cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách cho đối tượng nghèo theo chuẩn của địa phương về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi.
Chuẩn nghèo là căn cứ để nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác của Đảng và Nhà nước. Chuẩn hộ nghèo được ban hành và áp dụng theo từng giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 2011-2015, thực hiện theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (6 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 - 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, theo báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012” của Chính phủ, hiện nay, cả nước có 7/63 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Tây Ninh) đã nâng chuẩn nghèo của địa phương cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách cho đối tượng nghèo theo chuẩn của địa phương về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi…. Đồng thời các tỉnh này cũng ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù riêng của tỉnh để hỗ trợ cho các đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Chính phủ đánh giá, việc nâng chuẩn nghèo của tỉnh cùng với việc bố trí nguồn lực để các chính sách giảm nghèo đã góp phần giảm bớt khó khăn của các đối tượng nghèo, giúp họ nâng cao điều kiện sống, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc nâng chuẩn nghèo ở địa phương còn có một số bất cập. Đó là, chưa quy định rõ đối tượng hộ nghèo theo chuẩn nghèo của địa phương được hưởng các chính sách ưu đãi gì, dẫn đến có sự thắc mắc của đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, chưa đảm bảo được nguồn lực để thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo nói riêng và chính sách xã hội nói chung.
Mặt khác, Chính phủ đánh giá, các địa phương đã ban hành chính sách cụ thể để hỗ trợ cho đối tượng nghèo do nâng chuẩn nhưng chưa cân đối với chính sách xã hội khác như chính sách ưu đãi người có công. Nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo do nâng chuẩn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều từ nguồn hỗ trợ của cộng đồng..../.