Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014

10/09/2014 15:06:00 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm 2014, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đang đưa ra nhiều giải pháp tham mưu cho tỉnh để khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Đ/c Đỗ Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái tặng quà cho các gia đình chính sách.

Trong những tháng đầu năm 2014, Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, chính sách an sinh xã hội, thực hiện tốt những chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, gia đình có công như đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà cho người có công. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án dạy nghề, đào tạo việc làm cho những đối tượng và khu vực đặc thù như: việc làm nông thôn, việc làm cho thanh niên, dạy nghề cho nông dân, đưa lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… tiếp tục được triển khai có hiệu quả, các dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, bảo đảm điều kiện đi lại… đã được quan tâm phát triển, nhất là ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa.

Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  tỉnh Yên Bái, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế cụ thể như: Việc triển khai dự án Hỗ trợ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp khó khăn do không nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp lên địa bàn tỉnh Yên Bái đăng ký tuyển lao động. Do các Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề sáp nhập thành Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên cấp huyện, việc kiện toàn lại tổ chức các trung tâm để đi vào hoạt động thực hiện trong quý II/2014 nên công tác triển khai thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2014 còn chậm (tuyển mới dạy nghề 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 18,6% kế hoạch).

Việc ký kết hợp đồng 3 bên giữa đơn vị đặt hàng dạy nghề, đơn vị tổ chức đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa được thực hiện. Do đó, tạo việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động phong trào chăm sóc đời sống người có công chưa nổi bật rõ nét; tham mưu giải quyết một số vụ việc khiếu kiện về giải quyết chế độ chính sách người có công còn chậm, lúng túng, chưa dứt điểm. Nguồn kinh phí do Trung ương bố trí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2014 cho Dự án 3 (nhân rộng mô hình giảm nghèo) và Dự án 4 (nâng cao năng lực cán bộ giảm nghèo và truyền thông, giám sát, đánh giá chương trình) giảm đáng kể (chỉ bằng 69% so với năm 2013), ảnh hưởng đến mục tiêu và các giải pháp giảm nghèo đã đặt ra trong năm 2014.

Nhiều chính sách mới được ban hành nhưng chưa triển khai kịp thời do văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương còn chậm (hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ giáo dục theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP)....làm ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện chính sách ở cơ sở. Công tác cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đạt được thấp do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ về việc quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác cai nghiện tại cộng đồng còn chưa được thực hiện do nguồn kinh phí chi cho công tác này vẫn chưa được phân bổ; Kinh phí thực hiện nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, kinh phí thống kê người nghiện chưa có, do vậy triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng gặp khó khăn.

Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành theo kế hoạch đề ra, ngành đã cụ thể hóa  nhiệm vụ rất rõ ràng, đối với lĩnh vực lao động - việc làm và dạy nghề sẽ phấn đấu giải quyết việc làm cho từ 8.010 lao động trở lên, đạt 100% so với kế hoạch; dự kiến đến hết năm 2014, tuyển mới đào tạo cho 13.920 người đạt 100% kế hoạch giao trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 5.950 người. Tiếp tục triển khai kế hoạch làm mới nhà ở người có công năm 2014 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TT ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phấn đấu hoàn thành 888 nhà trong năm 2014 khi được cấp đủ kinh phí.

Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội mục tiêu giảm 4% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25,38% cuối năm 2013 xuống còn 21,4% cuối năm năm 2014 cùng với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, thanh tra, giải quyết đơn thư và tiếp công dân...

Với mục tiêu nhiệm nêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra 9 giải pháp để triển khai thực hiện, trong đó ngành sẽ tiếp tục tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm tỉnh Yên Bái tăng cường các biện pháp chỉ đạo, triển khai công tác giải quyết việc làm tại địa phương, trong đó tập trung vào nâng cao tính bền vững của công tác giải quyết việc làm thông qua phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đề xuất chính sách, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các trường dạy nghề trong quá trình tuyển sinh dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

Đẩy mạnh việc phát triển các loại hình liên kết đào tạo nghề giữa các trường dạy nghề của tỉnh và các trường ngoài tỉnh như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, các trường dạy nghề thuộc các bộ, các tập đoàn, tổng công ty cũng như liên kết đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt những khó khăn để có biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Đẩy mạnh triển khai các dự án, hoạt động giảm nghèo đã được bố trí vốn năm 2014, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; vốn ngân sách địa phương cân đối; vốn huy động cộng đồng và doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu của giảm nghèo năm 2014.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện; duy trì và đảm bảo phân loại điều trị cắt cơn nghiện, tổ chức tốt công tác dạy nghề, tư vấn chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, tổ chức lao động trị liệu gắn liền với lao động sản xuất đối với học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Tích cực đẩy mạnh công tác tư vấn quản lý cai nghiện, quản lý sau cai tại cộng đồng đặc biệt là các huyện vùng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai các văn bản mới, các nội dung hoạt động trên các lĩnh vực công tác của ngành trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể nắm được và cùng phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

CTTĐT