Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Mù Cang Chải với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững

18/09/2014 09:32:03 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Huyện Mù Cang Chải có 13 xã và 1 thị trấn, trong đó 13 xã thuộc khu vực III, 1 thị trấn thuộc khu vực I với tổng số 126 thôn bản, tổ dân phố. Dân số toàn huyện tính đến thời điểm 1/4/2014 là 54.285 người với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 91%, dân tộc Thái chiếm 4,8%, còn lại là các dân tộc khác. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 66,35% (tính đến thời điểm 31/12/2013).

Trao trâu của Dự án cho hộ nghèo 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải

Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, có 13/14 xã là xã đặc biệt khó khăn nên Mù Cang Chải (Yên Bái) nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải thường xuyên chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, ban có liên quan; thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; huy động sự tham gia của các cấp, ngành và đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chương trình, dự án chính sách cụ thể hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Chương trình 134, Chương trình 135, Nghị quyết 30a, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp...

Cụ thể: Chương trình 135 thực hiện tổng nguồn vốn được đầu tư cho các Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu giai đoạn 2009 - 2014 đạt gần 80 tỷ đồng, xây dựng 46 công trình, trong đó có 21 công trình giao thông, 24 công trình thủy lợi và 1 công trình trạm y tế xã; duy tu, bảo dưỡng 19 công trình sau đầu tư 135, tổng nguồn vốn 4,7 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đầu tư trên 14 tỷ đồng giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư phục vụ sản xuất.

Cùng với đó, Dự án hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý cũng đã hỗ trợ cho trên 7.431 lượt học sinh con hộ nghèo đi học tại các trường trên địa bàn huyện; giúp cho 2.050 hộ nghèo làm nhà vệ sinh và di chuyển chuồng trại. Dự án cũng đã hỗ trợ 13 xã xây dựng tủ sách pháp luật và lĩnh vực văn hóa - thông tin để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại cơ sở.

Bên cạnh các nguồn hỗ trợ, đồng bào các dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn theo Quyết định số 32/QĐ-TTg, Quyết định số 54/QĐ-TTg, hiện tại có 322 hộ vay với tổng số dư nợ đến ngày 31/7/2014 là 1,7 tỷ đồng. Người dân đã sử dụng nguồn vốn vay để mua trâu, bò, dê giống phục vụ chăn nuôi và sản xuất.

Trong 5 năm qua, huyện đã chỉ đạo các ngành và địa phương cấp được 202.445 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn 14 xã, thị trấn, tạo thuận lợi để người dân được chăm sóc sức khỏe từ cơ sở. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được chi trả kịp thời với tổng kinh phí 16,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 168.292 lượt khẩu nghèo; hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho 16.474 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách theo Quyết định số 289/QĐ-TTg với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng...

Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp đã hỗ trợ công cụ máy móc, vật nuôi, phục vụ trực tiếp cho lao động sản xuất của người dân; người dân được tham gia trực tiếp vào các mô hình sản xuất, được tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như các loại máy móc, công cụ vào sản xuất; năng suất cây trồng, vật nuôi ngày một tăng lên. Hợp phần đào tạo cán bộ xã, thôn bản đã bước đầu nâng cao được trình độ và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã và thôn bản.

Thông qua các hợp phần, hạng mục được đầu tư hỗ trợ thuộc Chương trình 135 và các chương trình, dự án khác trên địa bàn huyện đã cải thiện rất nhiều về thói quen trong sản xuất, trong sinh hoạt và sử dụng các công trình được Nhà nước đầu tư, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đều, năm 2011 là 80,4% (theo tiêu chí mới), đến năm 2013 còn 66,35%, phấn đấu năm 2014 còn 60,35%. Như vậy, từ năm 2011, tỷ lệ giảm nghèo đạt 6%/năm trở lên, vượt từ 2% so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân (4%/năm) của Chương trình 30a.

Từ một huyện miền núi còn nghèo và lạc hậu, nền kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, đến nay, Mù Cang Chải đã có bước phát triển đáng kể, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được tăng cường. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin để đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải vươn lên.

Hồng Hạnh