Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo

07/11/2014 08:52:59 Xem cỡ chữ

Vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND, hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 gồm 3 bước như sau:

Việc bình xét theo nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết bằng một trong 2 hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.

Bước 1: Công tác chuẩn bị điều tra, rà soát

Tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2014 trên các phương tiện truyền thông như: Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh và huyện, Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn; Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái. Sử dụng Ban chỉ đạo giảm nghèo (gọi tắt là BCĐ) cấp tỉnh, huyện và Ban giảm nghèo cấp xã làm BCĐ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo các cấp trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát, bố trí lực lượng và hệ thống biểu mẫu, kinh phí để tổ chức điều tra, rà soát. Tập huấn qui trình, công cụ điều tra, rà soát cho các điều tra viên.

Bước 2: Chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo

Xác định, lập danh sách các hộ  thuộc diện điều tra, rà soát: Xác định các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo hoặc rơi xuống cận nghèo trong năm 2014. BCĐ cấp xã tổ chức họp với trưởng thôn, bản, tổ dân phố và các chi hội đoàn thể, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong năm để phát hiện những hộ trong danh sách không nghèo, không cận nghèo của năm, nhưng do kinh tế suy giảm hoặc gặp những biến cố có khả năng rơi xuống hộ nghèo, hộ cận nghèo; các hộ từ nơi khác di chuyển đến địa bàn từ 6 tháng trở lên; các hộ mới tách ra trong năm 2014 để đưa vào diện điều tra, rà soát thu nhập.

Sử dụng công cụ nhận dạng nhanh về tình trạng tài sản (sản xuất và sinh hoạt) của hộ gia đình để xác định chắc chắn hộ không nghèo, cận nghèo dùng Phụ lục số 1- Bộ tài liệu hướng dẫn qui trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 (gọi tắt là BTL). Chấm điểm hộ gia đình theo số lượng tài sản và mức điểm cho từng loại tài sản qui định tại Phụ lục số 3 – BTL, bao gồm các nhóm tài sản A1 (20 điểm), A2 (5 điểm), A3 (3 điểm) và căn cứ vào bảng qui định phân nhóm hộ gia đình - Phụ lục số 4- BTL.

Nếu hộ có số điểm ở cột 4 (Phụ lục số 1- BTL) lớn hơn hoặc bằng 55 điểm đối với khu vực các phường, thị trấn; lớn hơn hoặc bằng 40 điểm đối với khu vực các xã thì thuộc diện hộ không nghèo, không cần điều tra thu nhập.

Nếu hộ có số điểm ở cột 4 (Phụ lục số 1- BTL) nhỏ hơn 55 điểm đối với khu vực phường, thị trấn và nhỏ hơn 40 điểm đối với khu vực các xã thì điều tra viên đưa hộ gia đình này vào danh sách hộ có khả năng rơi xuống cận nghèo, nghèo, để điều tra thu nhập.

Xác định và lập danh sách sơ bộ các hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo. Điều tra viên hướng dẫn và phối hợp với hộ gia đình đánh giá về khả năng thoát nghèo, căn cứ vào các yếu tố nguy cơ nghèo ở Phụ lục số 2- BTL:

Hộ có số yếu tố nguy cơ nghèo lớn hơn hoặc bằng 2 đối với khu vực các phường, thị trấn; lớn hơn hoặc bằng 3 đối với khu vực các xã (qui định tại Phụ lục số 4- BTL) là hộ chắc chắn chưa thoát nghèo, không cần điều tra thu nhập.

Hộ có số yếu tố nguy cơ nghèo nhỏ hơn 2 đối với khu vực các phường, thị trấn và nhỏ hơn 3 đối với khu vực các xã (qui định tại Phụ lục số 4- BTL), điều tra viên tiến hành điều tra thu nhập.

Xác định và lập danh sách sơ bộ các hộ có khả năng thoát nghèo. Tổng hợp danh sách hộ cần điều tra thu nhập bao gồm: Các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, cận nghèo (xác định ở Phụ lục 1 - BTL); các hộ từ nơi khác di chuyển đến địa bàn từ 6 tháng trở lên; các hộ mới tách ra trong năm 2014; Các hộ có khả năng thoát nghèo (xác định ở Phụ lục 2 – BTL);

Toàn bộ hộ cận nghèo sau rà soát năm 2013.Tổng hợp và lập danh sách 3 nhóm hộ nêu trên thành danh sách hộ thuộc diện điều tra, rà soát thu nhập trên địa bàn.

Tổ chức điều tra thu nhập hộ gia đình trên phiếu B (Phụ lục số 5- BTL). Lưu ý khi điều tra thu nhập phiếu B: chỉ tính thu nhập của hộ gia đình trong 12 tháng qua (từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 đến ngày 01 tháng 9 năm 2014); không tính khoản trợ cấp an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình (như trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo các quy định của pháp luật; trợ cấp tiền điện; trợ cấp khó khăn đột xuất...).

Kết quả điều tra, rà soát phiếu B: Đối với những hộ trong danh sách có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo (xác định ở Phụ lục 1 - BTL), nếu có thu nhập nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chí qui định đưa vào danh sách sơ bộ để tổ chức bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thôn bản, tổ dân phố.

Đối với những hộ trong danh sách có khả năng thoát nghèo (xác định ở Phụ lục 2 - BTL), nếu có thu nhập lớn hơn tiêu chí qui định đưa vào danh sách sơ bộ để tổ chức bình xét hộ thoát nghèo, cận nghèo tại thôn bản, tổ dân phố.

Đối với toàn bộ hộ cận nghèo sau rà soát năm 2013, căn cứ vào kết quả điều tra thu nhập thực tế để bình xét hộ thoát cận nghèo, hộ vẫn cận nghèo hoặc có thể rơi xuống hộ nghèo.        

Niêm yết công khai danh sách: Danh sách hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo; hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo theo tiêu chí qui định được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng cấp thôn và thông báo trên Đài truyền thanh của cấp xã trong vòng 3 ngày.

Trường hợp hộ gia đình khiếu kiện do không được điều tra, rà soát thu nhập, Ban chỉ đạo cấp xã cần tiến hành điều tra, rà soát bổ sung (Phiếu B - BTL), nếu thu nhập của hộ gia đình dưới mức tiêu chí qui định được tổng hợp vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để tổ chức bình xét.

Bước 3: Bình xét ở thôn, bản, tổ dân phố (theo Phụ lục số 6 - BTL, do Trưởng thôn, bản, tổ dân phố và các hộ dân thực hiện).

Chủ trì cuộc họp bình xét là Trưởng thôn, bản, Tổ trưởng tổ dân phố; thành phần tham gia họp bao gồm: đại diện Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp xã, cán bộ theo dõi giảm nghèo cấp xã; Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thôn, bản, tổ dân phố; các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét, các hộ trong thôn, bản, tổ dân phố (cuộc họp phải có ít nhất trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố tham dự).

Việc bình xét theo nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết bằng một trong 2 hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín; kết quả biểu quyết phải có ít nhất trên 50% số người tham dự đồng ý mới được đưa vào danh sách đề nghị công nhận: hộ nghèo, cận nghèo, hộ không nghèo không cận nghèo.

Kết quả bình xét phải được ghi vào biên bản (Phụ lục 6 – BTL); biên bản và danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo qua bình xét phải được lập thành 02 bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký cuộc họp, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu có), đại diện hộ dân kèm theo kết quả biểu quyết và thống nhất danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ không nghèo không cận nghèo sau điều tra, rà soát  năm 2014 (01 bản lưu tại thôn, bản, tổ dân phố, 01 bản gửi BCĐ cấp xã).

Sử dụng (Phụ lục số 7- Phiếu C – BTL) để thu thập đặc điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014. Phiếu này do trưởng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện đối với những hộ nghèo, cận nghèo đã được thông qua kết quả họp tại thôn, bản, tổ dân phố.

Ghi đầy đủ các thông tin về đặc điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo gồm: Họ và tên chủ hộ, địa chỉ, khu vực, thành phần dân tộc của chủ hộ, kết quả phân loại hộ, thu nhập bình quân người/tháng, số nhân khẩu của hộ, thông tin các thành viên của hộ, tình trạng nhà ở và nước sinh hoạt của hộ, nguyên nhân nghèo, nguyện vọng của hộ.

Hồng Hạnh