Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Để công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả và bền vững

11/08/2016 15:20:32 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái thì công tác xoá đói giảm nghèo là một mục tiêu quan trọng có ý nghĩa quyết định trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Vùng đồng bào dân tộc của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, khá toàn diện

Công tác xóa đói giảm nghèo là nền tảng quan trọng để xây dựng thành công nông thôn mới hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái về trước mắt và lâu dài. Xuất phát từ mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn cả nước và của riêng tỉnh Yên Bái. Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, với tổng kinh phí trên 1.470 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình dự án, chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Chương trình 134 (nay là Quyết định 755), Chương trình 135 giai đoạn II và giai đoạn III về phát triển kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn; Chương trình 30a của Chính phủ; Chương trình xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... Thông qua đó, đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng.

Đến nay, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, khá toàn diện. Trong đó, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 11%, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, cơ bản không còn tình trạng đói lưu niên ở vùng cao. Số hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm (riêng 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt trên 6%/năm). Hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 16,02% (theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2011 - 2015) và còn 32,21% (theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).

Nhân dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc qua các năm đều được bồi dưỡng, tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức khoa học vận dụng vào sản xuất và đời sống, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên 5.000 ha tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; vùng sản xuất ngô hàng hóa 15.000 ha tại Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; vùng sản xuất chè 9.000 ha tại Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên; vùng sắn cao sản 8.000 ha tại Văn Yên; vùng măng tre Bát độ trên 3.000 ha tại Trấn Yên; vùng quế trên 30.000 ha tại Văn Chấn, Văn Yên; vùng cây sơn tra tại Mù Cang Chải, Trạm Tấu...

Hình thành một số trang trại chăn nuôi đại gia súc bán chăn thả, chăn nuôi lợn, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp; hình thành một số làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, rèn, mây tre đan; hình thành một số điểm du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng tâm linh. Các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư tăng thêm như các tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa; các công trình thuỷ lợi, nhất là các công trình phúc lợi công cộng khác như: chợ, trường học, trạm y tế xã, điện, nước sạch... được chú trọng đầu tư và đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc. Văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc được bảo tồn và phát huy, phong tục tập quán lạc hậu giảm đáng kể.

Để thực hiện thành công công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số một cách hiệu quả và bền vững, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2015 - 2020; Quy hoạch, bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết, gắn quy hoạch dân cư, qui hoạch đất đai, phát triển kinh tế, xã hội với xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu, có chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc; quản lý và bố trí sử dụng hợp lý các nguồn vốn đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi; Thực hiện chủ trương “tăng mức cho vay, giảm mức cho không” đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Lan Hương