Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Măng tre Bát Độ - Cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân Trấn Yên

24/08/2016 15:16:41 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Cây tre măng Bát Độ ở huyện Trấn Yên đã và đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo.

Sơ chế măng Bát độ tại Công ty Vạn Đạt

Chỉ vài năm trước, Kiên Thành là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn và nghèo đói bậc nhất của huyện Trấn Yên, nhưng từ khi triển khai thực hiện và mở rộng trồ măng tre Bát Độ, đến nay, xã đã có bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều hộ trở nên khá giàu. Giờ đây, Kiên Thành đã trở thành vùng trồng tre măng Bát Độ lớn của tỉnh Yên Bái, diện tích tre măng Bát Độ của xã chiếm 2/3 diện tích trồng măng tre của huyện Trấn Yên.

Bà Nguyễn Thị Ngoan - thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành cho biết: “Nhà tôi trồng 2 ha tre măng. Mỗi khóm măng thu được 30 kg bán với giá 3.700 đồng/kg năm ngoái thu về 80 triệu đồng. Nhờ trồng tre lấy măng mà cuộc sống gia đình tôi được nâng cao, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt trong nhà”.

Hiện toàn xã Kiên Thành có 1.044 ha tre măng Bát Độ. Trong xã có trên 93% hộ dân trồng tre lấy măng. Giá măng tre Bát Độ ổn định ở mức 3.500 đồng - 4.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm nông dân Kiên Thành thu về 12 tỷ đồng. Nhờ trồng măng tre Bát Độ tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 41%.

Không chỉ ở xã Kiên Thành, hiện nay cây măng Bát Độ đã được trồng ở nhiều xã trên địa bàn huyện. Đặc biệt, Hồng Ca - một xã đặc biệt khó khăn đã trồng tre măng Bát Độ từ năm 2006, đến nay, mở rộng diện tích lên trên 400ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Nam Hồng, Liên Hiệp, Chi Vụ, Đồng Đình. Loại cây trồng này mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào Mông ở các thôn Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Ron.

Giai đoạn 2015 - 2020, xã Hồng Ca có kế hoạch trồng mới từ 150 đến 200ha để nâng diện tích lên 600ha; trong đó, tập trung mở rộng diện tích ở các thôn, bản người Mông để tiếp tục xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng du canh, du cư và phá rừng làm nương rẫy.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên hiện Trấn Yên đã hình thành được 3 vùng sản xuất măng Bát Độ tập trung với tổng diện tích gần 1.600 ha gồm: xã Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông; xã Y Can, Kiên Thành; các xã Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca. Sản phẩm măng tre Bát Độ được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản.

Xác định cây tre măng Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2,5 - 3 lần so với cây trồng khác trên đất đồi rừng, huyện Trấn Yên tiếp tục mở rộng diện tích và coi đây là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Trấn Yên có kế hoạch phát triển vùng tre Bát Độ với tổng diện tích 2.000 ha; trồng mới và cải tạo 1.000 ha; tập trung đầu tư thâm canh để đến năm 2020 sản lượng đạt trên 30.000 tấn măng vỏ tươi/năm; nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tre đạt trên 40 triệu đồng/ha/năm.

 

Hiền Trang