Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa

30/11/2016 14:24:00 Xem cỡ chữ

CTTĐT- Với tiềm năng, lợi thế về đất đai cùng các điều kiện tự nhiên khác, huyện Lục Yên có nhiều điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Qua nhiều năm triển khai, chương trình hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa của tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ bà con nông dân trong huyện Lục Yên 180 cơ sở chăn nuôi.

Ở Lục Yên, chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 100 con thì không còn lạ lẫm với người dân vùng thấp nhưng với một xã vùng cao như Khánh Thiện, mô hình chăn nuôi lợn thịt với quy mô 50 – 60 con trước đây của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh ở thôn Khe Phay đã là lớn, bản thân chị Oanh và gia đình cũng chưa từng nghĩ rằng mình có thể nuôi được nhiều hơn vì sinh sống ở vùng khó khăn, chi phí đầu tư để chăn nuôi lớn không hề dễ dàng và đòi hỏi nguồn vốn phải rất lớn, trong khi sản phẩm bán ra, bao giờ bà con cũng phải chịu thiệt thòi về giá cả. Nhưng khi được tiếp cận với chương trình hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa chị đã chủ động tìm hiểu và xin được tham gia chương trình mặc dù năm 2015 này tiêu chí thực hiện nâng từ quy mô chăn nuôi 50 con lên 100 con. Qua nghiệm thu của ngành chức năng huyện Lục Yên, cơ sở chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Oanh đều đạt yêu cầu cả về diện tích, số lượng, trọng lượng vật nuôi cũng như các tiêu chí về thú y, vệ sinh môi trường... chị Oanh phấn khởi chia sẻ: “Giờ đây được nhà nước hỗ trợ rồi, gia đình sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt, đảm bảo công tác thú y để đàn lợn nhanh lớn và nếu có thể tôi sẽ nuôi nhiều hơn”.

Còn đối với anh Nguyễn Bá Hiếu ở thôn Chính Quân xã Liễu Đô, là một gia đình có kinh nghiệm nuôi gà khá lâu năm, nhưng trước đây gia đình thường chỉ nuôi nhiều nhất khoảng 500 con. Không dám nuôi lớn vì đã nhiều lần gà của gia đình bị dịch bệnh cuốn đi cả gia sản, nhưng nhờ sự tư vấn của khuyến nông viên cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đã được hỗ trợ trước đó, anh Hiếu đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng để xây mới chuồng nuôi theo đúng kỹ thuật được phổ biến, riêng con giống anh chia làm 2 lứa nuôi gối nhau để có đầu ra dễ hơn khi xuất bán, hiện nay lứa gà to đã đạt trọng lượng 0,7kg/con, lứa nhỏ đạt 0,3kg/con. Với sự hỗ trợ của chương trình chăn nuôi hàng hóa, giờ đây anh Hiếu đã tự tin hơn với quy mô chăn nuôi lớn của mình. Anh Hiếu khẳng định: “Được tham gia dự án gia đình có thêm vốn để phát triển chăn nuôi lớn, nhưng quan trọng hơn là có thêm kiến thức kỹ thuật cán bộ hướng dẫn, sau này dù không có dự án nữa gia đình vẫn có khả năng duy trì chăn nuôi tiếp”.

Cũng như các địa phương khác trong huyện, ngay khi nhận được chủ trương, UBND xã Liễu Đô đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ khuyến nông cơ sở rà soát và lập danh sách các hộ có khả năng thực hiện, từ đó thông báo đến từng hộ về chương trình, giúp họ nắm được đầy đủ thông tin về tiêu chí để các gia đình xem xét quyết định. Cùng với 3 mô hình được hỗ trợ trong năm 2015 thì tổng số cơ sở trên địa bàn xã Liễu Đô đã được hỗ trợ từ trước đến nay là 13 mô hình gồm gà, vịt, lợn và đến nay tất cả các mô hình đều vẫn được duy trì. Ông Mông Văn Hoạt – Phó Chủ tịch UBND xã Liễu Đô cho biết: “Từ trước đến nay xã Liễu Đô đã được hỗ trợ nhiều chương trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, qua đó đã đem lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong xã, thời gian tới chúng tôi mong có thêm nhiều chương trình như thế để bà con có cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu đồng thời có điều kiện duy trì phát huy xã nông thôn mới”.

Năm 2015 chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa có nhiều thay đổi như: nâng tiêu chí số lượng lợn thịt từ 50 lên 100 con, lợn nái từ 10 lên 15 con đồng thời tăng mức hỗ trợ từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng cho mỗi cơ sở. Tăng quy mô chăn nuôi đồng nghĩa với mức đầu tư của các hộ cũng cao hơn nhiều vì mỗi cơ sở bà con phải đầu tư vài trăm triệu đồng, từ chuồng trại, con giống, thức ăn, thú y… tuy vậy người chăn nuôi ở Lục Yên vẫn rất hào hứng và mong muốn được tham gia chương trình, vì họ đều hiểu rằng cho dù số tiền được nhà nước hỗ trợ chỉ là nguồn động lực để giúp họ tập trung cho phát triển kinh tế gia đình và cho rằng chính sách này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa. Từ đó, nhiều gia đình đã có sự bứt phá như: ông Trương Văn Khoa, ông Đặng Minh Va phát triển nuôi lợn ở xã Yên Thắng; bà Hoàng Thị Thuận nuôi vịt ở thị trấn Yên Thế... Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa ở Lục Yên cũng gặp nhiều khó khăn như: nguồn vốn của bà con hạn hẹp nên khi vướng chút dịch bệnh hoặc giá cả biến đổi là không đủ khả năng để tiếp tục duy trì; nguồn cung cấp con giống không ổn định, không chắc chắn; vấn đề dịch bệnh và giá cả thất thường cũng ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của người dân... Những khó khăn đó khiến một số hộ chăn nuôi không duy trì được, riêng các cơ sở cá lồng hầu như không thể duy trì.

Qua nhiều năm triển khai, chương trình hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa của tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ bà con nông dân trong huyện Lục Yên 180 cơ sở, trong đó có 28 cơ sở lợn nái sinh sản, 57 cơ sở lợn thịt, 50 cơ sở gia cầm, 22 cơ sở ba ba và 23 cơ sở cá lồng. Nhờ có sự đầu tư phát triển của Nhà nước, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo quy mô ngày càng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Ông Lương Thanh Nghiêm – Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên cho biết: “Qua nghiệm thu chúng tôi nhận thấy các cơ sở đều thực hiện tốt các tiêu chí, để đảm bảo cho các cơ sở này duy trì phát triển bền vững Trạm Khuyến nông huyện Lục Yên sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn đến từng hộ gia đình”.

Chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa của tỉnh đã kích thích phát triển đàn vật nuôi của huyện Lục Yên, so với năm 2010, đến nay, đàn lợn tăng 38%, đàn gia cầm tăng 10%, nhiều hộ chăn nuôi đã xây dựng chuồng trại đúng quy cách, có hệ thống thoát nước, có hầm biogas xử lý chất thải, không gây ô nhiễm môi trường; ngoài ra, nhiều hộ tự chủ động con giống, góp phần giảm thiểu dịch bệnh.

Hồng Hạnh