Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thoát nghèo bằng nuôi lợn rừng lai

03/12/2016 16:25:00 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Nhằm giúp phụ nữ nghèo vùng đồng bào thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo bền vững, những năm qua, được Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng tài trợ, Dự án Hỗ trợ và phát triển sinh kế trong việc nuôi lợn rừng lai do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái triển khai tại 2 xã Y Can và Tân Đồng của huyện Trấn Yên từ năm 2013 đến nay.

Dự án Hỗ trợ và phát triển sinh kế trong việc nuôi lợn rừng lai do Hội LHPN tỉnh triển khai tại 2 xã Y Can và Tân Đồng, huyện Trấn Yên đã phát huy hiệu quả.

Gia đình chị Trần Thị Văn là hộ nghèo ở thôn Tự Do, vì hoàn cảnh có mẹ già, hai con nhỏ và người em gái mắc bệnh nặng, đất canh tác ít. Hết lúc mùa màng bận rộn, chị Văn lại đi làm thuê, vậy mà cứ mãi nghèo túng. Năm 2013, chị Văn được nhận một con lợn nái rừng lai và một con lợn rừng lai đực từ Dự án Hỗ trợ và phát triển sinh kế và được tập huấn kiến thức nuôi lợn rừng lai: cách cho ăn, chăm sóc, nuôi thả và kinh phí làm chuồng gần 1 triệu đồng... Lứa lợn đầu tiên sinh sản được 5 con, trong đó có 1 con lợn cái chị chuyển cho một hộ nghèo khác trong thôn nuôi, 4 con đực chị bán giống thu về hơn 4 triệu đồng. Chị Văn cho biết: “Nuôi lợn rừng lai so với giống lợn địa phương không khó, thức ăn chủ yếu là rau, sắn rất phù hợp với phụ nữ nghèo như chúng tôi. Mặc dù thời gian nuôi lâu nhưng lợn rừng lai giống và lợn rừng lai thịt giá cao hơn lợn địa phương”.

Mặc dù không được nhận lợn giống rừng lai sinh sản trong đợt đầu, song đầu năm 2015, bà Nguyễn Thị Sen, thôn Tự Do nhận được lợn nái rừng lai sinh sản từ chị Văn chuyển cho. Được cán bộ Hội Phụ nữ xã cùng chị em trong nhóm tham gia Dự án tư vấn kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, lứa lợn rừng lai đầu tiên sinh sản được 7 con, sau khi tách mẹ bán giống cũng mang lại nguồn thu trên 7 triệu đồng. Bà Sen phấn khởi: “Lợn rừng lai không kén chọn thức ăn như lợn địa phương, không phải nấu cám, chủ yếu là rau, sắn cho ăn thẳng, đặc biệt là chúng không biết ăn cám công nghiệp, vì vậy với phụ nữ nghèo thì đây là giống lợn phù hợp nhất. Từ lúc mới đẻ đến lúc bán giống chỉ mất 3 tháng mà trọng lượng mỗi con cũng gần 10 kg. Giá bán bình quân trên 100 ngàn đồng/kg thì đây cũng là nguồn thu nhập khá cho phụ nữ nghèo”.

Cũng như gia đình chị Trần Thị Văn, gia đình chị Đặng Thị Hiên, thôn 8, xã Tân Đồng cũng vậy, sau 4 năm tham gia Dự án với 1 con lợn rừng lai ban đầu, nay đã nhân giống được 3 con lợn nái. Từ một hộ nghèo, đến nay cuộc sống gia đình chị đã thoát nghèo. Chỉ vào căn bếp mới xây và một số vật dụng có giá trị trong nhà: xe máy, tủ lạnh... chị Hiên cho biết, tất cả đều nhờ con lợn rừng lai mà có. Không chỉ có gia đình chị Văn, bà Sen, chị Hiên mà 50 hộ dân của 2 xã Y Can, Tân Đồng đều thoát nghèo nhờ Dự án.

Dự án Hỗ trợ và phát triển sinh kế với việc nuôi lợn nái rừng lai tại 2 xã Y Can và Tân Đồng do Hội LHPN tỉnh triển khai dưới sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng tài trợ với hình thức hỗ trợ giống lợn rừng lai sinh sản và lợn rừng lai đực cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực. 50 hộ dân tại 10 thôn của 2 xã Y Can và Tân Đồng tham gia Dự án được nhận 55 lợn cái và 10 lợn đực giống rừng lai.

Ngoài ra, các hộ được chọn tham gia Dự án được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, được hỗ trợ một phần kinh phí để làm chuồng. Tổng mức hỗ trợ cả giống, kinh phí làm chuồng trại mỗi hộ dân khoảng 6 triệu đồng.

Cùng với đó, để gắn kết các hộ tham gia Dự án có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo 2 xã được tham gia Dự án thành lập câu lạc bộ cùng sở thích chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn rừng lai. Nhờ vậy, sau 4 năm triển khai Dự án, từ 55 con lợn với 50 hộ nhận nuôi ban đầu, nay đã lên hơn 100 hộ với 341 con lợn rừng lai sinh sản.

Bà Phạm Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: “Dự án đã xây dựng mô hình phù hợp với các hộ nghèo, bởi họ tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Kỹ thuật nuôi đơn giản, các hộ cam kết khi lợn nái sinh sản sẽ chuyển đủ 3 con lợn cái cho các hộ dân khác trong địa bàn, góp phần tăng hộ nghèo được hưởng lợi, giảm nhanh số hộ nghèo của các địa phương”.

Dự án Hỗ trợ và phát triển sinh kế trong việc nuôi lợn rừng lai do Hội LHPN tỉnh triển khai tại 2 xã Y Can và Tân Đồng, huyện Trấn Yên đã phát huy hiệu quả. Ngoài việc giúp các hộ dân thấy được hiệu quả của chăn nuôi mang tính sản xuất hàng hoá, tạo ra phương thức chăn nuôi có quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật thì Dự án còn góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương, xây dựng phong trào phụ nữ tích cực thi đua học tập, phát triển kinh tế tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hồng Hạnh