Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái thực hiện tốt Nghị quyết 30a

23/09/2016 15:30:38 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đối với vùng dân tộc và miền núi, trong đó trọng tâm là các chính sách ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Hiệu quả nuôi ong từ việc hỗ trợ vốn giảm nghèo người dân Lục Yên

Nghị quyết 30a của Chính phủ với trọng tâm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững nhằm xóa đói, giảm nghèo cho các địa phương đặc biệt khó khăn trong cả nước nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái có bước tăng trưởng mạnh theo từng lĩnh vực, trong đó kinh tế rừng và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm là thế mạnh của tỉnh, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con. Công tác chăm sóc, bảo vệ nguồn lợi từ rừng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nhận thức của người dân; tập quán du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy của bà con dần được bãi bỏ. Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, bà Nông Thị Kim Cúc cho biết: “Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đều cao hơn mục tiêu giảm nghèo bình quân 4%/năm của Chương trình 30a. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Trạm Tấu hơn 77%, đến đầu năm 2016 còn hơn 75,10%, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo của Trạm Tấu đạt 5,26%/năm. Huyện Mù Cang Chải tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 56,5%  đến năm 2016 phấn đấu giảm 6,5%.

Tuy nhiên, chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo lại chưa đạt, vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của các huyện khác trong tỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo của hai huyện này còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, năm 2014 là 26,1%, chưa đạt so với hơn 40% mục tiêu đề ra.

Việc áp dụng thực hiện các chính sách dân tộc tại các địa phương trong tỉnh Yên Bái thông qua nhiều cách làm sáng tạo. Các hộ đồng bào DTTS đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, mang lại thu nhập cao, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình. Gia đình chị Lê Thị Thơm, dân tộc Cao Lan ở thôn Khuôn Đát, xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái) là một trong những hộ di dân từ lòng hồ Thác Bà, lúc đầu rất khó khăn về kinh tế, nay được nhận hơn 44 nghìn m2 đất sản xuất. Gia đình chị dành gần 3.000 m2 đất trồng hai vụ lúa nước/năm và gần 2.000 m2 đất đồi rừng trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi. Chị Thơm chia sẻ: “Đến nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định, nuôi con ăn học và còn xây được nhà kiên cố và sắm được tiện nghi cho gia đình”. Ngoài ra, còn nhiều hộ làm ăn hiệu quả, tiêu biểu như các hộ ông Lương Minh Các, dân tộc Xa Phó, thôn 7, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên...

Ông Giàng A Câu - Phó trưởng phụ trách ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho rằng: “Muốn xóa đói, giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn tới, các nguồn lực từ trung ương đến địa phương cần tập trung và sửa đổi theo hướng ưu tiên. Ngoài các chính sách của Nhà nước, Ủy ban Dân tộc cần phối hợp các bộ, ngành rà soát các chính sách dân tộc giai đoạn 2011- 2015 và chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn 2016 - 2020 hiệu quả hơn…”.

 

Thu Hương