Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cảm Ân: Phát huy lợi thế địa phương để xóa đói giảm nghèo

18/01/2017 10:19:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thời gian qua xã Cảm Ân - huyện Yên Bình đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát huy lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Nhiều gia đình xã Cảm Ân đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi lợn hàng hóa.

Trước đây do chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, cái đói cái nghèo vẫn thường xuyên đeo bám. Với ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình anh Nguyễn Văn Chiến và chị Nguyễn Thị Kim Thoa ở thôn Tân Yên, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng trang trại chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Đến nay, gia đình anh, chị luôn duy trì 14 chuồng nuôi với trên 150 con lợn thịt và 3 con lợn nái. Để đàn lợn của gia đình khỏe mạnh và lớn nhanh, anh chị còn thường xuyên tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng về các chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn, đồng thời lựa chọn những giống cám uy tín có chất lượng để áp dụng vào gia đình. Nhờ đó mà từ đầu năm đến nay gia đình anh, chị đã xuất bán được trên 30 tấn lợn với giá bán giao động từ 40 đến 42.000đ/kg, trừ chi phí cũng mang lại cho gia đình trên 200 triệu đồng tiền lãi. Chị Thoa - Phấn khởi nói: “Từ khi chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cuộc sống của gia đình tôi cũng đã được nâng lên đáng kể, gia đình mong muốn tiếp tục được các cấp, các ngành tạo điều kiện cho gia đình về vốn vay, khoa học kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại nhằm mang về hiệu quả kinh tế hơn”.

Gia đình ông Hà Trọng Bằng ở thôn Đèo Thao, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình nhận thấy lợi thế của địa phương về đồng cỏ, đã quyết định bỏ số tiền tích góp của gia đình để đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Ông đã chủ động đăng ký với chi hội Nông dân của thôn để tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về cách chăm sóc, cách phòng tránh dịch bệnh ở đàn trâu, bò do các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, lại thường xuyên được cán bộ xã đến kiểm tra mà đàn trâu, bò nhà ông Bằng lớn nhanh, ít gặp dịch bệnh. Đến nay, gia đình ông Bằng có 10 con trâu, bò ước tính giá trị trên 250 triệu đồng. Ngoài nuôi trâu bò, ông Bằng còn chăm sóc tốt 10 ha rừng trồng kinh tế và chăn nuôi lợn, gà. Mỗi năm ước tính thu nhập của gia đình cũng đạt trên 150 triệu đồng.Ông Bằng chia sẻ: “Xác định muốn phát triển kinh tế cần kết hợp nhiều ngành nghề khác nhau nên gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư để phát triển chăn nuôi, từ đó cuộc sống của gia đình cũng có nhiều đổi thay, có điều kiện nuôi con cái ăn học, sắm sửa các trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Tôi cũng mong muốn tiếp tục được chính quyền địa phương tạo điều kiện để mở rộng thêm quy mô sản xuất chăn nuôi”

Cảm Ân là xã còn gặp nhiều khó khăn của huyện Yên Bình. Toàn xã có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, số hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới chiếm gần 40%. Trước những khó khăn đó, những năm qua, xã Cảm Ân chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát huy nội lực để phát triển kinh tế, đồng thời bám sát vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh tập trung vào phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Trong chăn nuôi, nhân dân trong xã đã thay đổi tư duy từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang hình thức chăn nuôi tập trung phát triển theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn xã có trên 10 mô hình chăn nuôi từ 50 con lợn thịt trở lên, 3 hộ nuôi từ 10 con trâu, bò; trên 100 hộ chăn nuôi gà, vịt với quy mô trên 200 con. Cùng với phát triển chăn nuôi, xã Cảm Ân cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các loại giống cây trồng mới như: keo, mỡ, bồ đề lai vào trồng. Ngoài các diện tích trồng lại sau khai thác, nhân dân còn tận dụng quỹ đất trồng cây màu khác kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng rừng kinh tế. Trong 5 năm qua, xã đã phát triển mới được trên 300ha và khoanh nuôi bảo vệ trên 90ha rừng; độ che phủ đạt trên 75%. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn tích cực phát triển dịch vụ kinh doanh vừa và nhỏ; khai thác, nuôi trồng thủy hải sản… Nhờ đó mà đời sống người dân trên địa bàn xã ngày một được khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/năm.

Đánh giá đổi thay cuộc sống người dân trong thôn, ông Hoàng Thế Anh - Trưởng thôn Đèo Thao – xã Cảm Ân - huyện Yên Bình nói: “Nhiều năm trở lại đây cuộc sống người dân trong thôn Đèo Thao đã có nhiều thay đổi, cuộc sống ngày được nâng nên, chính quyền thôn cũng xác định tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng, chăn nuôi. Thôn chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai nhiều đề án, chương trình hỗ trợ về phát triển nông lâm nghiệp để người dân được tiếp cận từ đó tạo đà để nhân dân trong thôn phát triển kinh tế vươn lên xóa đói, giảm nghèo”.

Để tiếp tục giúp nhân dân phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo, xã Cảm Ân, ông Hoàng Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Cảm Ân, huyện Yên Bình cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát vào sự chỉ đạo của huyện Yên Bình trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, trong đó vẫn tập trung vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chương trình hành động theo từng tháng để người dân xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân về vốn, về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa dần nâng cao thu nhập cho người dân”.

Cuộc sống của người dân xã Cảm Ân, huyện Yên Bình đã và đang có những đổi thay nhờ biết phát huy lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Tin tưởng rằng, nhân dân trong xã sẽ tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Thanh Hoa