Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn Yên: hiệu quả từ mô hình trồng dâu nuôi tằm

09/05/2019 09:53:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Người xưa nói, “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, rất vất vả và lo lắng trong quá trình nuôi tằm, chỉ sợ tằm mắc bệnh thì coi như công cốc. Tuy vậy, khi thành công thì tiền thu về sớm, mỗi lứa tằm chỉ nuôi hơn một tháng là có thể bán kén ra ngoài thị trường, tổng cộng một năm có thể nuôi được 7 đến 10 lứa tằm. Nhiều hộ gia đình ở huyện Văn Yên đã chủ động chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Nghề này, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, giúp nhiều gia đình ở Văn Yên có thu nhập ổn định, hướng tới làm giàu bền vững

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Huyện ủy, thăm mô hình nuôi tằm tại xã Xuân Ái.

Thực tế chứng minh, nghề trồng dâu nuôi tằm ở nhiều nơi đã mang lại hiểu quả rõ nét, điển hình như ở các xã: Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng ở huyện Trấn Yên. Nghề này không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là vào thời điểm nông nhàn mà còn giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Do đó, huyện Văn Yên xác định, nghề trồng dâu nuôi tằm là một hướng đi hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

 Vì thế, cùng với khuyến khích người dân duy trì, phát triển các loại cây trồng chủ lực như quế, sắn, huyện Văn Yên đã tập trung quy hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn một số xã; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, giống vật nuôi kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm; mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho các hội viên nông dân; tạo mối liên kết giữa các hộ sản xuất, hình thành các tổ, nhóm liên kết giữa sản xuất gắn với cơ sở thu mua kén tằm, tập trung ở các xã: Xuân Ái, Hoàng Thắng, Yên Hưng, Yên Phú, Đại Phác.

Tới thăm mô hình kinh tế của anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Chăn Nuôi, xã Xuân Ái, trên diện tích 1 mẫu đất nông nghiệp đã được anh chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Nhờ cần cù lao động, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức và tìm hiểu qua sách báo, anh Tuấn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh cho tằm; do đó việc nuôi tằm đã đạt hiệu quả. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh Tuấn nuôi 3 lứa tằm, mỗi lứa 10 - 12 ngày/vòng tằm. Một năm xuất bán ra thị trường  gần 1.000 vòng tằm, trừ chi phí, anh thu về 100 triệu đồng tiền lãi, cao gấp khoảng 10 lần so với trồng ngô. Khoản thu nhập này, đã giúp gia đình anh cải thiện đời sống, có điều kiện chăm lo con cái học hành và mua sắm được nhiều đồ dùng tiện ích phục vụ cho sinh hoạt.

Trăn trở tìm cách làm giàu, cùng chung ý tưởng với gia đình Tuấn, nhận thấy điều kiện tự nhiên của địa phương phù hợp để trồng dâu nuôi tằm, sau khi sang xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên học hỏi cách trồng dâu nuôi tằm, chị Hoàng Kim Thức ở thôn Cá Nội, xã Hoàng Thắng đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất soi bãi, ruộng canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Giống tằm chị Thức lựa chọn nuôi là tằm trắng. Đây là giống tằm tuy hơi khó chăm sóc, song lại dễ tiêu thụ kén vì luôn được thị trường ưa chuộng. Chị Thức chia sẻ, trồng dâu nuôi tằm không vất vả như nhiều người nói mà hiệu quả kinh tế lại khá cao, thời gian quay vòng vốn nhanh. Cây dâu dễ trồng, chịu hạn tốt và 1 lần trồng có thể cho thu hoạch đến trên 10 năm.  "Trồng dâu nuôi tằm không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, vốn đầu tư không nhiều nên mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm, song ngay lứa tằm đầu tiên trong tháng đầu tiên nuôi, gia đình tôi đã thu về gần 15 triệu đồng. So với trồng lúa, ngô, khoai thì cao hơn gấp nhiều lần và đây thực sự là khoản thu nhập mà gia đình từng mong đợi” - chị Thức nói.

Với những bước đi vững chắc, trong tương lai, nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ trở thành một trong những nghề chủ lực và là thế mạnh kinh tế của huyện Văn Yên, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 

 

Ban Biên tập