Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề

15/09/2017 10:42:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Xác định rõ điều này, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viênluôn được các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện tốt. Bên cạnh việc bổ sung mới, đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy mới để đạt chuẩn.

Hết năm 2016, toàn tỉnh có 529 giáo viên cơ hữu đang giảng dạy tại các trường, trung tâm dạy nghề.

Hết năm 2016, toàn tỉnh có 529 giáo viên cơ hữu đang giảng dạy tại các trường, trung tâm dạy nghề. Chia theo cơ cấu trình độ: tiến sỹ, thạc sỹ 112 người (chiếm 21,2%), đại học 372 người (chiếm 70,3%); cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, CNKT 45 người (chiếm 8,5%). Chia theo cơ cấu: giáo viên dạy nghề có 387 người (chiếm 73%), giáo viên dạy văn hóa có 142 người (chiếm 27%).

Số lượng giáo viên dạy nghề còn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu cả về số lượng và cơ cấu ngành nghề, cụ thể: mục tiêu Đề án đến năm 2015, tổng số giáo viên dạy nghề có 540 người, tuy nhiên đến năm 2016 toàn tỉnh mới có 387 người (đạt 72%). Sau khi sáp nhập, số lượng giáo viên dạy nghề của các trung tâm dạy nghề và GDTX tăng lên tuy nhiên đa số là giáo viên dạy hướng nghiệp nghề phổ thông, kỹ năng nghề còn hạn chế; mặt khác, có những nghề có số lượng giáo viên nhiều như nghề điện, công nghệ thông tin trong khi đó thiếu giáo viên cơ hữu theo các nghề đào tạo (mỗi trung tâm hiện có giáo viên cơ hữu cho 3-4 nghề, mục tiêu Đề án mỗi trung tâm có từ 7-8 biên chế giáo viên, mỗi nghề có ít nhất 01 giáo viên cơ hữu).

Hàng năm, đã có trên 200 giáo viên, người dạy nghề (trên 60 giáo viên cơ hữu, 140 giáo viên thỉnh giảng là các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thuộc ngành nông nghiệp gồm trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, chi cục thủy sản; đội ngũ thợ lành nghề) tham gia giảng dạy tại các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956. Về chất lượng, đa số giáo viên và người tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng yêu cầu về kỹ năng nghề, trình độ sư phạm dạy nghề, đối với nghề nông nghiệp, đã huy động được đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện, thị xã, thành phố.

Giai đoạn 2010-2016, đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho 536 lượt người, đối tượng tham gia gồm các giáo viên của các cơ sở chuyên về dạy nghề và cán bộ tại các trung tâm, trạm, đơn vị có tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn (như cán bộ tại các trung tâm, trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y…).

Tuy nhiên, các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện hiện đang thiếu giáo viên dạy nghề cơ hữu, thiếu giáo viên dạy các nghề kỹ thuật như cơ khí, điện dân dụng, may công nghiệp, xây dựng. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở này phải huy động đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư nông nghiệp, thợ lành nghề để giảng dạy do đó, những cơ sở này gặp nhiều khó khăn trong tổ chức đào tạo, đặc biệt là việc bố trí thời điểm mở lớp.

Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã bố trí được cán bộ chuyên trách về dạy nghề. Có trên 300 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, thị xã được tập huấn nghiệp vụ quản lý dạy nghề, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dạy nghề của các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong thời gian tới, để làm tốt vấn đề bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp.

Đồng thời, xây dựng cơ chế ràng buộc đối với giáo viên định kỳ phải đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với nghề đào tạo thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường cũng sớm xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên dựa trên chức năng, nhiệm vụ của giáo viên, phương pháp đào tạo lấy hoạt động người học làm trung tâm... Đồng thời, thường xuyên tổ chức dự giờ của giáo viên, tăng cường và tổ chức hội thi, hội giảng giáo viên dạy nghề các cấp.

Ban Biên tập

Ban Biên tập