Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Một số sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái

21/07/2022 10:36:21 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được vùng tập trung chuyên canh trồng lúa theo chuỗi giá trị có diện tích 5.000 ha; xây dựng được 8 sản phẩm gạo đạt sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó: gạo nếp Tú Lệ, gạo Séng cù Mường Lò đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao; ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP 3 sao như: gạo nếp Lào Mu Khánh Thiện (Lục Yên) với diện tích 60 ha, sản lượng 80 tấn; gạo nếp Tan Khau Phạ (Mù Cang Chải) diện tích 60 ha, sản lượng 70 - 90 tấn; gạo Bạch Hà (xã Bạch Hà, huyện Yên Bình); gạo nếp 87 xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu… Sau đây, Cổng Thông tin điện tử tỉnh trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số loại sản phẩm nông sản chất lượng cao của các địa phương trên địa bàn tỉnh:

1. Gạo nếp Tú Lệ

Nằm giữa 3 ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, với khí hậu mát mẻ, Tú lệ được trời ban cho đặc sản gạo nếp nổi tiếng. Theo tiếng của người Thái, nếp Tú Lệ được gọi là nếp Tan Lả. Đây là loại nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ và là một trong những loại nếp ngon nhất của Việt Nam.

Nơi đây có nhiệt độ trung bình năm 21,9oC, biên độ nhiệt ngày đêm vào thời điểm lúa trổ bông từ 8oC đến 8,3oC, số giờ nắng trung bình tháng vào thời điểm lúa trổ bông đến khi lúa chín là 420 giờ, độ ẩm trung bình năm là 84%.

Khu vực địa lý có nguồn nước tưới từ suối Ngòi Hút, Nậm Lung và các chi lưu Huổi Lại, Huổi Sán, Bản Mạ, Huổi Tông, Nậm Ban, do đó nguồn nước tưới đã cung cấp một lượng phù sa giàu dinh dưỡng, và nhiệt độ của nguồn nước tưới mát hơn so với nước bình thường. Nhờ đó, chất lượng của gạo nếp ở Tú Lệ cũng khác so với các vùng khác.

Gạo nếp Tú Lệ là sản phẩm nông nghiệp của đồng bào Thái, là kết tinh của đất trời và người dân nơi này. Gạo nếp Tú Lệ màu trắng sữa, hơi bóng, hạt gạo thon tròn, hạt chắc, đều, ít vỡ, gãy. Gạo có mùi thơm đậm, nhiệt độ hóa hồ từ 70,0 oC đến 74,0 oC, hàm lượng Amylose của gạo nếp Tú Lệ thuộc loại cao, từ 1,30% đến 2,71%, hàm lượng Protein từ 6,94%  đến 7,61%, hàm lượng tinh bột từ 72,95% đến 74,37%.

(Gạo nếp Tú Lệ màu trắng sữa, hơi bóng, hạt gạo thon tròn, hạt chắc, đều, ít vỡ, gãy)

Gạo nếp ở Tú Lệ khi nấu thành xôi có mùi thơm đậm, vị ngọt đậm, bùi. Xôi rất dẻo, mềm nhưng không dính khi nắm tay. Nhờ những đặc thù như vậy, nếp Tú Lệ trở thành đặc sản trời ban mà không ở vùng nào có được và trở thành niềm tự hào của người dân Tú Lệ, danh tiếng ngày một lan rộng, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Hạt nếp Tú Lệ có những điểm khác so với nếp ở nhiều vùng. Hạt tròn mẩy, trắng trong chứ không dài và đục như nếp thường.

(Gạo nếp Tan Tú Lệ thích hợp nhất là đồ xôi trắng, hoặc nếu có lá cẩm, người ta có thể làm ra các món xôi màu đẹp mắt)

Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm bánh chưng, bánh dày, làm cốm hay chế biến làm nguyên liệu của các món bánh khác cũng vô cùng thơm ngon. Gạo nếp Tan Tú Lệ thích hợp nhất là đồ xôi trắng, hoặc nếu có lá cẩm, người ta có thể làm ra các món xôi màu đẹp mắt.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng dự án, kế hoạch nhằm phát triển diện tích trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất giống lúa nếp Tan tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; thành lập các hợp tác xã thu mua, vận chuyển cho khách hàng nhằm nâng tầm thương hiệu gạo nếp Tan Tú Lệ đem lại nguồn thu nhập ổn định. 

Nhiều du khách đi du lịch Yên Bái vào dịp tháng 9, tháng 10 hàng năm cũng thường ghé qua Tú Lệ vào mùa cốm và mua thêm vài cân gạo nếp Tan để làm quà. 

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 4926/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00100 cho sản phẩm gạo nếp “Tú Lệ”nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

2. Gạo Séng Cù

Séng Cù là loại gạo tẻ đặc sản của vùng Tây Bắc. Ở Yên Bái, gạo Séng Cù được trồng chủ yếu ở vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. Gạo nấu lên cơm xốp dẻo, để qua đêm vẫn mềm, mùi thơm đậm.

Gạo Séng Cù trắng ngà, thon, dài

Vỏ hạt thóc Séng Cù dầy, đầu hạt thường có râu. Gạo Séng Cù trắng ngà, thon, dài trung bình 6,7-7 mm, chắc hạt, cứng hơn các loại tẻ thường. Gạo Séng Cù Mường Lò hạt dài, hạt gạo cứng hơn so với những hạt gạo tẻ thường. Hạt cơm dẻo, mềm, càng nhai lâu càng ngọt, để nguội không bị cứng và vẫn có mùi thơm.

Trong thành phần dinh dưỡng của gạo Séng Cù có hàm lượng vitamin B1 cao gấp 4 lần so với gạo tẻ thường. Để khi nấu vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng và ngon cơm, theo kinh nghiệm của người dân, khi cho gạo vào nồi nên đổ nước bằng số gạo rồi đổ thêm một nửa bát nước nữa. 

Nước nấu là nước sôi cơm sẽ ngon hơn nấu bằng nước lạnh. Trong quá trình nấu không nên mở nắp nồi, khi cơm sôi nên cho nhỏ lửa, đậy vung giữ nhiệt trong 15 phút. Muốn hạt cơm bóng hơn, ít bị dính ở đáy nồi, trước khi nấu nên cho thêm một ít bơ hoặc vài giọt dầu ăn.

            Séng Cù là một trong những loại gạo mang lại giá trị kinh tế cao nhất vùng, giá bán hiện nay là 29.000đ/1kg. Các bạn mua gạo Séng Cù có thể liên hệ với Hội sản xuất và kinh doanh gạo Mường Lò tỉnh Yên Bái.

Website: gaomuonglo.vn; SĐT: 0945.261.789 – 0984.638.683 - 0984.172.922

Trong năm 2016 - 2017, Văn phòng HĐND - UBND thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thực hiện Dự án "Xây dựng Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái”. Tháng 1/2018, 2 sản phẩm gạo Séng cù và Hương chiêm Mường Lò đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận bảo hộ CDĐL.  

3.Gạo nếp Lào Mu – Khánh Thiện (Lục Yên)

Ngày 16/3/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ký ban hành Quyết định số 425/QĐ-UBND về việc cho phép đăng ký, quản lý và sử dụng tên địa danh "Khánh Thiện" để tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Gạo nếp Lào mu" của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái và xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng sản phẩm gắn với Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp Lào mu - Khánh Thiện” của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Theo đó tỉnh cho phép Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đăng ký, quản lý và sử dụng tên địa danh "Khánh Thiện" để tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Gạo nếp Lào mu" của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái và xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng sản phẩm gắn với Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp Lào mu - Khánh Thiện” của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đồng thời đơn vị này có trách nhiệm quản lý, sử dụng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp Lào mu - Khánh Thiện” của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Gạo nếp Lào mu Khánh Thiện là giống nếp truyền thống của địa phương, được bà con dân tộc Tày ở xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái gieo trồng từ lâu đời, trải qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Sản phẩm gạo nếp Lào mu có đặc điểm hạt to, mẩy, tròn, đặc biệt khi đồ lên thành xôi thì có một lớp dầu tự nhiên tiết ra từ hạt gạo nên xôi sẽ không bị dính và có vị thơm ngọt, mềm dẻo mà không phải giống gạo nếp nào cũng có được.

Cây lúa nếp Lào Mu chỉ được canh tác một vụ trong một năm, thời gian sinh trưởng từ 135 đến 165 ngày (trồng từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch và thu hoạch vào tháng 10 âm lịch hàng năm). Lúa nếp Lào Mu có chiều cao khoảng 140 – 170cm/cây, gốc to, hình dạng đứng, lá hình thon dài. Bông dạng chụm, chiều dài bông từ 20 – 22cm, số hạt chắc trên một bông lúa trung bình khoảng 105 -107 hạt. Hạt thóc nếp Lào Mu, có hình tròn hơi dẹt, màu vàng nâu sẫm, nhấm thử thấy ngọt mát lan tỏa đầu lưỡi như sữa. Năng suất trung bình từ 150 – 170 kg/sào.

Hiện nay, Gạo nếp Lào Mu có giá bán khá cao và mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng. Bên cạnh đó nhu cầu của người tiêu dùng đối với loại gạo này ngày càng cao, nhưng sản lượng Gạo nếp Lào Mu còn khá nhỏ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Gạo nếp Lào mu được sản xuất theo chuỗi giá trị - kiểm soát quá trình canh tác - hệ thống chất lượng chuẩn quốc tế.

7207 lượt xem
Lan Hương