Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn

31/10/2017 08:56:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điều đó được thể hiện ở nhiều chính sách như chính sách đất đai, chính sách tín dụng nông thôn, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn...

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn

Đặc biệt Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956). Trong Quyết định này, Đảng và Nhà nước đã khẳng định: "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Đề án 1956 đã đề ra mục tiêu tổng quát: "Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sư nghiêp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiêp, nông thôn."

Công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn thực sự là một trong những bước đột phá đáng kể trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Trước đây, người lao động ở nông thôn hầu như không được đào tạo, họ chủ yếu chỉ lao động bằng kinh nghiệm cá nhân, không có nhiều điều kiện tiếp cận với những kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nên hiệu quả sản xuất không cao, lao động manh mún, nhỏ lẻ. Ngày nay, nhờ có công tác đào tạo nghề, một bộ phận không nhỏ lao động nông nghiệp đã có thể tiếp cận được với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững. Đây là một bước đột phá trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở nước ta thời gian qua.

Để thúc đẩy giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách kịp thời, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương cũng cần có những chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở rộng sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế du lịch, thương mại nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh nhằm thay đổi những tập quán sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu của nông dân.

Nâng cao nhận thức cho các cấp các ngành về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao dân trí cho nhân dân và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần thiết thực, hiệu quả, gắn với thực tiễn sản xuất của địa phương để nông dân vừa có thể học nghề, vừa có thể áp dụng ngay vào sản xuất canh tác. Ngoài ra, cần có những chính sách tích cực trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm để những ngưòi đã tham gia đào tạo nghề tích cực phát triển sản xuất, tạo việc làm cho bản thân và cho ngước khác.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ giới hóa trong nông nghiệp; chuyển lao động từ nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ bằng cách phát triển kinh tế phi nông nghiệp với sự bổ sung của ngành chăn nuôi và các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là những ngành nghề góp phần giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động.

Kết hợp hài hòa giữa việc thu hồi đất nông nghiệp của nông dân với việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa, dựa vào thế mạnh của từng vùng để phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn; giữa việc hiện đại hóa sản xuất với phát triển theo hướng bền vững nhằm tạo cơ hội để lao động nông thôn vừa phát triển được các ngành nghề truyền thống, vừa tiếp cận được nền sản xuất hiện đại. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trong sản xuất, đầu tư khoa học - công nghệ, tích cực hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức về thị trưòng, về hội nhập để nông dân có thể sản xuất ra những mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tại chỗ, vừa thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Đây cũng là một trong những cách tích cực góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nước ta trong thời gian tới.

Ban Biên tập