Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nhiều giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu các vụ tai nạn lao động

17/09/2019 15:42:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 81 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 84 người bị nạn, trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 14 vụ, số vụ TNLĐ có 2 người bị nạn trở lên là 3 vụ, số người chết là 14 người. Tổng thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cần phải trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cho người lao động.

Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ chủ yếu vẫn là do vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, quy trình về an toàn lao động, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chỉ tập trung về vấn đề sản xuất kinh doanh, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà chưa quan tâm, tập trung về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không đạt tiêu chuẩn về nhiệt, tiếng ồn, khí hơi độc do sử dụng các thiết bị, máy móc cũ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn, các phương tiện bảo hộ lao động còn mang tính hình thức, đối phó; không được doanh nghiệp quan tâm vì sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế, chưa đầy đủ hoặc thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cũng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Hậu quả của tai nạn lao động là không đo, đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, thiệt hại là không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặc khác, uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn. Song thiệt thòi về phía người lao động vẫn nặng nề. Không chỉ bị tổn hại về tính mạng, sức khỏe, khả năng làm việc, cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính kiệt quệ, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí điều trị tai nạn và bệnh tật do tai nạn lao động gây ra không phải số tiền nhỏ, có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.

Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động trong thời gian tới, Sở Lao động thương binh và xã hội phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan. Tổ chức tốt các hoạt động thiết thực, có hiệu quả nhằm thúc đẩy các chương trình, hành động cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp và nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đổi mới theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và người lao động, kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động để họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động, giúp cho doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách bền vững.

Thứ hai là nâng cao chất lượng công tác huấn luyện về ATVSLĐ và các hoạt động phòng ngừa, đánh giá rủi giúp doanh nghiệp và người lao động chủ động phòng ngừa, hạn chế các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy và đề cao vai trò đảm bảo quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội khác trong việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động, người lao động cũng cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ; thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình được quy định trong Luật ATVSLĐ.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để ngăn ngừa tai nạn lao động.

Thứ tư, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cán bộ ở cấp huyện, xã. Trong bối cảnh biên chế, nhân lực làm công tác này hiện nay được coi là khá mỏng thì việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phân cấp hợp lý và tăng cường trách nhiệm của từng cấp, từng ngành là quan trọng, nhất là cấp huyện.

Ban Biên tập