Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thách thức trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

01/12/2016 10:26:00 Xem cỡ chữ
Sau gần 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và 2 năm triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, song song với giải pháp thu hút người dân tham gia thì việc tăng cường giám sát bảo vệ quyền lợi của người lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Việc này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Luật BHXH 2014 có nhiều bổ sung, điều chỉnh về chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Luật đã bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1 - 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường; NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhóm này được tham gia BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất.

Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc bỏ quy định khống chế trần tuổi tham gia; quy định mức sàn thu nhập tối thiểu đóng BHXH tự nguyện bằng chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn để phù hợp với khả năng tham gia của người dân. Nhà nước có chính sách hỗ trợ với một số nhóm đối tượng khi tham gia BHXH tự nguyện; linh hoạt phương thức đóng…

Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, cả nước mới có trên 12,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm khoảng 23,4% số NLĐ; hơn 192.000 NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Điều này cho thấy, các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức.

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm còn nhức nhối. Đặc biệt, pháp luật về BHXH chưa quy định cơ chế xử lý nợ BHXH, khoản nợ không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ sử dụng lao động bỏ trốn… Do đó, mục tiêu đến năm 2020 đạt 50% số lao động tham gia BHXH là thách thức rất lớn.

Theo BHXH Việt Nam, mặc dù mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH được coi là mặt tích cực, tiến bộ của Luật BHXH 2014, nhưng với những bất cập như hiện nay, để đạt được mục tiêu này cũng là thách thức không nhỏ. Nhất là khi cơ quan BHXH không còn công cụ “khởi kiện” với những đơn vị, doanh nghiệp nợ lớn. Do đó, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, những tiến bộ quan trọng của Luật BHXH khó đi vào cuộc sống.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phát triển mạng lưới an sinh xã hội. Hiện tỷ lệ BHXH mới đạt khoảng 23 - 25%. Thực trạng này đòi hỏi BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp Chính phủ đã đề ra. Bộ LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam xây dựng đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tăng số người tham gia BHXH, trước hết là đối với số NLĐ có HĐLĐ, vận động người không tham gia quan hệ lao động tham gia BHXH; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bền vững quỹ BHXH, bảo đảm cân bằng thu, chi BHXH.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Minh Huân, để thực hiện Luật BHXH 2014 thu hút đối tượng tham gia BHXH, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với BHXH Việt Nam xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, việc nắm đầy đủ thông tin về NLĐ vẫn đang bất cập do thiếu cơ chế liên thông dữ liệu giữa các cơ quan liên quan. Hiện Bộ LĐ-TBXH đang tích cực tìm các giải pháp quản lý lao động, đồng thời tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, để tăng độ bao phủ BHXH, trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách bảo toàn, cân đối và tăng trưởng quỹ BHXH nhằm tạo sự hấp dẫn cũng như niềm tin của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cải cách thủ tục hành chính nhằm mở rộng nhiều đối tượng tham gia BHXH. Đặc biệt, nhiệm vụ này cần được quán triệt tới các ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền chung tay thực hiện. Bởi đây là việc làm bảo đảm an sinh xã hội và mang tính định hướng về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Theo Vụ BHXH - Bộ LĐ-TBXH , hiện nay số NLĐ có quan hệ lao động chỉ chiếm 41%, trong khi lao động thuộc khu vực phi chính thức lên tới 59%; mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 2% lao động được tuyển dụng vào khu vực chính thức. Như vậy, đến năm 2020, số lao động trong khu vực chính thức, khối có tiền lương vẫn chưa đạt tỷ lệ 50%; số lao động dừng tham gia BHXH cũng rất lớn. Trong 7 tháng năm 2016 đã có trên 47 nghìn người nghỉ hưởng trợ cấp BHXH một lần; ngành BHXH đã giải quyết chế độ BHXH cho trên 5 triệu lượt người, tăng hơn 685 nghìn lượt so với cùng kỳ 2015.

 

Theo molisa.gov.vn