Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

14/06/2022 10:56:00 Xem cỡ chữ
Chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho gia đình và địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ)...

Người dân vay vốn tại các điểm giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội.

Điểm sáng ở Trạm Tấu

Tháng 8/2020, anh Lò Văn Căn ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu được vay vốn 90 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu với hợp đồng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Qua gia đình anh Căn được biết, sau khi đi XKLĐ, nhờ công việc ổn định, thu nhập bình quân hàng tháng của anh đạt gần 30 triệu đồng; đến nay, anh không những gửi tiền về trả được 55 triệu đồng tiền gốc mà còn giúp gia đình có cuộc sống ổn định. 

Cũng giống như anh Căn, tháng 12/2020, anh Mè Văn Nhất ở tổ dân phố số 3, thị trấn Trạm Tấu được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho vay 87,7 triệu đồng đi XKLĐ tại Đài Loan. Hiện thu nhập của anh đạt 27 triệu đồng/tháng. Số tiền trên đã giúp anh đảm bảo cuộc sống. Đến nay, anh Nhất đã gửi được trên 50 triệu đồng về trả gốc vay ngân hàng.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm lao động được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu cho vay vốn để tạo cơ hội đi XKLĐ để cải thiện cuộc sống. Trong đó, xã Hát Lừu là địa phương dẫn đầu của huyện về số người XKLĐ. 

Chủ tịch UBND xã Hát Lừu- ông Lò Văn Tiếp cho biết: "Chương trình cho vay đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của NHCSXH đã phát huy hiệu quả khá tích cực. Hiện, toàn xã có 46 người đi XKLĐ tại các nước: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Rumani. Mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 20 đến 30 triệu đồng/người/ tháng, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình. 

Nhiều lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản đã gửi được tiền về xây được ngôi nhà khang trang, có cuộc sống ổn định như các hộ ông Lò Văn Thân, Lò Văn Chung ở thôn Hát 1. Các lao động đi XKLĐ không chỉ làm thay đổi cuộc sống của gia đình nói riêng, diện mạo bản làng nói chung, mà còn góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới”. 

Ông Hoàng Đình Huân - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu thông tin: thực hiện chương trình cho vay XKLĐ, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã giải ngân cho 129 hộ đi XKLĐ với 11,1 tỷ đồng; qua đó, giúp đỡ cho 129 lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số (DTTS) được đi XKLĐ giải quyết lao động việc làm, tăng thu nhập. Hiện, dư nợ của chương trình là 6,795 tỷ với 94 khách hàng còn dự nợ và hầu hết các hộ vay đều có công việc ổn định tại nước ngoài và cho thu nhập khá.

 Kiến nghị và đề xuất

Chương trình cho vay XKLĐ của NHCSXH đang triển khai là kênh tín dụng giúp các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ sinh sống tại các huyện nghèo và đặc biệt với đối tượng vay là người DTTS có điều kiện để cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, nâng cao trình độ. 

Nguồn vốn cho vay đi XKLĐ tu NHC- SXH được nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo tại địa phương nói riêng và của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nói chung. 

Theo NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2022 đơn vị đã thực hiện giải ngân cho 254 lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh số đạt 19.350 triệu đồng. 

Trong đó, cho vay XKLĐ tại huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg và Quyết định 27/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 15.106 triệu đồng. Đến nay, dư nợ của Chương trình đạt 7,5 tỷ đồng với 119 khách hàng còn dư nợ. 

Tuy nhiên, con số này chưa tương xứng với tiềm năng thực tế và nguyên nhân khách là do từ đầu năm 2020 tới nay, công tác XKLĐ gần như bị đóng băng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và một số nước vốn là thị trường XKLĐ chủ yếu của lao động Việt Nam. 

Một số trường hợp lao động người DTTS chưa thực sự thay đổi được tư duy trong lao động, ý thức kỷ luật lao động không cao nên dễ xảy ra tình trạng bỏ dở công việc, vi phạm hợp đồng lao động... Dẫn đến, hiện nay nợ quá hạn, nợ khoanh của chương trình chiếm 4,3% tổng dự nợ và hầu hết là nợ khó có khả năng thu hồi do hộ vay đi XKLĐ phải về nước trước thời hạn nhưng không đủ giấy tờ chứng minh, hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng trả nợ. NHCSXH đã đề nghị Chính phủ xem xét khoanh nợ cho hộ vay nhưng qua đánh giá cho thấy, hết thời gian khoanh nợ, khả năng trả nợ của hộ vay rất thấp. 

Trong năm 2020, 2021, nhiều người lao động đã vay vốn tại NHCSXH để đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chưa xuất cảnh và hiện vẫn còn dư nợ tại ngân hàng; doanh nghiệp đưa người đi XKLĐ chưa chuyển trả phần vốn vay của người lao động.

Trước thực tế này, đề nghị cơ quan chức năng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, chỉ đạo các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng quá thời hạn mà người lao động chưa được xuất cảnh có trách nhiệm hoàn trả các khoản chi phí đã nộp của người lao động để NHCSXH có cơ sở thu hồi nợ. 

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ có cơ chế xử lý nợ đặc thù đối với các trường hợp hộ nghèo, hộ nghèo và hộ DTTS thuộc huyện nghèo vay vốn đi XKLĐ phải về nước trước thời hạn vì lý do khách quan trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chính trị trên thế giới.

 

Ban Biên tập