Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tạo việc làm cho người lao động nhờ chính sách đúng đắn

02/08/2017 12:06:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Sau 7 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956), với những hoạt động thiết thực Đề án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Những thành quả thu được từ Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Từ năm 2010 - 2016, toàn tỉnh đã mở trên 1.300 lớp, thu hút trên 37.900  lao động nông thôn tham gia học nghề. Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trên 25.200 người, chiếm 67%, lĩnh vực phi nông nghiệp là trên 12.600 người, chiếm 33%.

Đặc biệt, trong tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, đã có trên 28.200 người thuộc đối tượng ưu tiên như người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người bị thu hồi đất, người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo. Sau khi được đào tạo nghề từ chương trình của Đề án, đã có trên 33.300 lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề, đạt 88%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp trên 22.700 người, lĩnh vực phi nông nghiệp trên 10.500 người.

Ở các địa phương như: Thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Mù Cang Chải có từ 84 - 87% lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề. Đáng chú ý, tỷ lệ này đạt 94,36% tại huyện Trấn Yên và với một huyện khó khăn nhất nhì tỉnh Yên Bái như Trạm Tấu, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề lên tới 94%. Sau khi được đào tạo học nghề có 87,6% lao động nông tự tạo việc làm cho bản thân, 11,3% lao động được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm. Trong việc triển khai thực hiện Đề án, đã có nhiều mô hình, cá nhân điển hình được duy trì có hiệu quả như: Sản xuất rau an toàn tại xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái); chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel (huyện Văn Yên); chạm khắc đá huyện Văn Chấn; du lịch cộng đồng Homestay tại thị xã Nghĩa lộ... Những thành quả thu được từ Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tỉnh cuối năm 2016 đạt 47,5%. Đặc biệt, dạy nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 17.000 lao động mỗi năm của Yên Bái. Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh khẳng định, Đề án 1956 đã có tác động tích cực tới các doanh nghiệp trong những năm qua. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng, kinh tế suy giảm thì những cơ chế của Đề án tạo ra đã giúp doanh nghiệp thu hút lao động, đồng thời tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động của lao động nông thôn đã được nâng cao.

Có được kết quả trên là nhờ sự triển khai công tác thông tin tuyên truyền dạy nghề đồng bộ, sâu rộng và đa dạng dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của xã hội và người dân về học nghề, phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển. Đã hoàn thành việc sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp dạy nghề các huyện, thành phố. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị các sơ sở ngày càng được đầu tư, nâng cấp hiệu quả, góp phần tăng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng tăng, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng gắn với nhu cầu của người học, nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm qua cũng bộc lộ những khó khăn, yếu kém cần được đổi mới khắc phục. Chia sẻ về khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề, ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Khó khăn chủ yếu của huyện trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trình độ nhận thức của người dân còn thấp, người tham gia đào tạo, học nghề chủ yếu là lao động chính trong gia đình nên việc duy trì chuyên cần còn chưa cao. Lao động nông thôn tham gia học nghề đa phần là người dân tộc thiểu số còn có tâm lý ngại học, đi làm xa nhà, kém thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, một số lớp đào tạo nghề như nghề sửa chữa nông cụ chưa hiệu quả và phù hợp với tình hình địa phương". Ông Lê Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cũng cho biết: "Trong việc đào tạo nghề, nhà trường chủ yếu đào tạo nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, giai đoạn 2010 - 2016, tham gia Đề án, nhà trường đã mở 74 lớp với trên 2.900 học viên tham gia.

Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai Đề án, nhiều lao động thực sự có nhu cầu đã được đào tạo nghề, một số lao động nông thôn chưa thực sự tích cực tham gia học nghề, một số bộ phận người lao động còn thờ ơ, ngại tham gia học nghề. Do đó, công tác tuyển sinh và đào tạo nghề của nhà trường còn gặp khó khăn... Cùng với đó, nhận thức về nghề một bộ phận lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ chưa sâu, chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dẫn đến thiếu sâu sát trong công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước". Đây không chỉ là khó khăn riêng của huyện Văn Yên hay Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái mà là khó khăn chung của các địa phương khi triển khai thực hiện Đề án 1956. Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề của tỉnh một số năm còn chậm dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện của các địa phương. Nguồn lực kinh phí được phân bổ hàng năm cũng thấp hơn so với kế hoạch, chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa để phát triển dạy nghề. Việc thực hiện thủ tục cấp, phát kinh phí chậm vì thế ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ mở lớp của cơ sở đào tạo.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn tiếp theo, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn về pháp luật dạy nghề. Đổi mới chương trình, phương pháp dạy nghề, phối hợp với các doanh nghiệp về nhu cầu lao động triển khai đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động tự học hỏi, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Phấn đấu trong giai đoạn 2018 - 2020, đào tạo nghề cho  nghìn lao động nông thôn. Trong đó, hỗ trợ đặt hàng đào tạo nghề trình độ sơ cấp và trung cấp đào tạo dưới 3 tháng cho 18nghìn người, lĩnh vực nông nghiệp là 9.900 người và 8.100 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 nhấn mạnh: "Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã phải có sự chuyển biến trong công tác chỉ đạo thực hiện Đề án. Các cơ sở đào tạo nghề chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường thực hành nghề, gắn với cơ sở sản xuất. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,  Sở Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và nguồn lực của tỉnh. Từ đó, xác định loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo, trong đó ưu tiên đào tạo nghề phi nông nghiệp. Về đối tượng đào tạo, ưu tiên người nghèo, người yếu thế, người khuyết tật, phụ nữ...".

Thanh Thủy