Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp góp phần bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động

22/12/2020 16:04:00 Xem cỡ chữ
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần tổn thất cho người lao động mang tính thiết thực và hữu ích, chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Người lao động cần được làm việc trong môi trường an toàn, có đầy đủ bảo hộ lao động

Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi NLĐ đã điều trị ổn định thương tật, chưa có cơ chế tái đầu tư để ngăn ngừa. Chính vì vậy, để tăng cường khả năng phòng ngừa TNLĐ, BNN, Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định về chế độ hỗ trợ phòng ngừa từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Theo đó, đối tượng hưởng chế độ TNLĐ-BNN đã được mở rộng trên cơ sở phù hợp với đối tượng đóng BHXH, bao gồm cả NLĐ làm việc theo mùa vụ, NLĐ dưới 15 tuổi, lao động đã nghỉ hưu. Đây là một ưu điểm vượt trội, hướng đến bảo đảm an sinh cho hầu hết trường hợp tham gia lao động, sản xuất.

Theo đánh giá, khi quy định về bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển sang áp dụng theo Luật ATVSLĐ, hầu hết các trường hợp gặp rủi ro đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Song bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục hành chính, quy định, quy trình xác định đối tượng được hưởng theo Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ) còn chung chung. Vì vậy, cán bộ chuyên môn gặp khó khăn, dẫn đến việc giải quyết chế độ cho DN, NLĐ bị chậm.

Khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 15/9/2020) thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP. Theo quy định mới, NLĐ có thể được hỗ trợ một số khoản như kinh phí chữa BNN không quá 15 triệu đồng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc; phục hồi chức năng lao động...

Về phía DN, mức đóng hằng tháng trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH giảm từ tối đa 1% (theo Luật ATVSLĐ năm 2015) xuống còn 0,5%. Mức đóng sẽ chỉ còn 0,3% nếu DN bảo đảm một số điều kiện (trong vòng 3 năm không bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự; chấp hành báo cáo định kỳ về ATVSLĐ đúng thời hạn; tần suất TNLĐ giảm từ 15% trở lên/năm).

Với trách nhiệm của ngành, thời gian tới, Sở LĐTBXH tỉnh tiếp tục phổ biến Luật ATVSLĐ đến từng đơn vị, DN, NLĐ; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về BHXH, DN nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất TNLĐ.

Bản thân NLĐ cần chấp hành nghiêm các quy định, quy trình an toàn, sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ trong quá trình vận hành thiết bị, máy móc. Hy vọng rằng, với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm TNLĐ-BNN sẽ phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.