Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Xuất khẩu lao động đình trệ

16/03/2020 16:02:00 Xem cỡ chữ
Nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong thời gian dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp và người lao động lo lắng.

Nhiều đơn hàng XKLĐ phải tạm dừng trong thời gian dịch bệnh

Trong khi học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ được kéo dài thời gian nghỉ học để phòng, tránh dịch Covid-19, các trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều đã mở cửa trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã qua 2 tuần, nhiều học viên vẫn còn ở quê, chưa lên học vì lo sợ dịch bệnh.

Kiểm tra sức khỏe từng người

Theo ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (Hoàng Long CMS): “Trung tâm đào tạo XKLĐ của công ty quán triệt phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như phun khử trùng, sát khuẩn phòng học; trang bị nước rửa tay, khẩu trang cho học viên; tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng chống dịch bệnh… Song, do người lao động ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, ngại đi lại, sinh hoạt chung trong thời điểm dịch bệnh, nên hiện vẫn có nhiều người ở quê chưa lên học”.

Trong khi đó, Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) vẫn tổ chức kỳ kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực dành cho người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc đợt 1 năm 2020, từ 12 - 16.2 tại Hà Nội. Bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, cho biết trung tâm đã có thông báo khẩn về biện pháp phòng chống Covid-19. Người lao động khi đến dự kiểm tra đều được yêu cầu đi một mình, không đi cùng người thân, bạn bè, không đến sớm trước ca kiểm tra và ở lại điểm thi sau khi làm bài kiểm tra. Trung tâm mời cơ quan y tế tham gia trực, kiểm tra thân nhiệt, các triệu chứng lâm sàng, nếu phát hiện người lao động bị sốt, ho, khó thở thì tiến hành cách ly y tế và tạm dừng thi.

“Đối với những lao động mới trở về từ Trung Quốc hoặc vùng có dịch; người tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc với người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh trong vòng 14 ngày tính đến ngày tham dự kiểm tra; những người có triệu chứng như sốt, ho, khó thở…, chúng tôi yêu cầu không đến tham dự kiểm tra. Các trường hợp này sẽ được Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc cho phép kiểm tra vào đợt 2 năm 2020, dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới”, bà Lan cho hay.

Thông thường đầu năm tuyển dụng và xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan rất sôi động. Năm nay, do dịch bệnh, các đơn hàng sụt giảm khoảng 30 - 40%. Các nhà máy của các đối tác thời điểm này cũng không muốn có “người lạ” sang, cho dù đó là lao động Việt Nam

Ông Nghiêm Quốc Hưng,
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long CMS

Nhiều đơn hàng dừng trước ngày xuất cảnh

Không chỉ đào tạo, tuyển dụng lao động bị ảnh hưởng, các đơn hàng chuẩn bị xuất cảnh sang các thị trường châu Á, châu Âu thời gian này đều chậm lại. Thậm chí, có doanh nghiệp (DN), đơn hàng xuất cảnh sang Nhật phải hoãn lại do nhập cảnh cùng ngày với nhóm lao động người Trung Quốc. Ông Nghiêm Quốc Hưng, than thở: “Thông thường đầu năm tuyển dụng và xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan rất sôi động. Năm nay, do dịch bệnh, các đơn hàng sụt giảm khoảng 30 - 40%. Các nhà máy của các đối tác thời điểm này cũng không muốn có “người lạ” sang, cho dù đó là lao động Việt Nam. Các DN XKLĐ đều phải nín thở, nghe ngóng tình hình, mong dịch bệnh sớm qua, thị trường sớm hồi phục”.

Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona), cũng cho hay dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển dụng, đào tạo, xuất cảnh lao động sang các thị trường. “Hiện tại, chúng tôi chưa có đợt xuất cảnh nào, nhưng theo phản hồi từ các đối tác, nhất là các đối tác ở châu Âu, họ đang lo ngại và cân nhắc thời điểm đưa lao động Việt Nam sang. Nếu tới đây dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong trường hợp có đợt xuất cảnh, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ LĐ-TB-XH xin ý kiến”, ông Nam chia sẻ.

Việc lùi thời gian xuất cảnh khiến người lao động cũng lo lắng không kém. Anh Bùi Văn Tý (quê ở Nghệ An) bày tỏ: "Theo kế hoạch, tháng 3 tôi sẽ bay sang Nhật làm việc, nhưng tuần trước công ty mới gọi thông báo hoãn chưa biết bao giờ được đi. Tôi mong sang sớm ổn định công việc còn có tiền gửi về quê trả nợ. Giờ ở nhà không có tiền, không có việc, trong khi tiền vay vẫn phải trả lãi, sốt ruột lắm".

Trước diễn biến dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, ngày 13.2, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục đưa ra các giải pháp để ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, đối với lĩnh vực XKLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các DN thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận và tạm lùi thời gian xuất cảnh. Nếu thật cần thiết thì phải kiểm soát được số lao động xuất cảnh trong thời gian này.

Theo dự báo của Bộ LĐ-TB-XH, các nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc sẽ ngừng việc nhập cảnh hoặc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu các địa phương và DN xây dựng kế hoạch đào tạo lao động, chuyển đổi lao động đi làm việc tại các thị trường khác hoặc cung ứng cho các DN trong nước...

Theo Bộ LĐ-TB-XH, số liệu báo cáo về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có đăng ký của các DN cho thấy, hiện nay có 524.153 lao động Việt Nam đang làm việc tại Trung Quốc và một số nước đã có các trường hợp nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, tại Đài Loan là 224.713 lao động, Macau là 785 người. Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, UAE và Philippines là 298.655 người. Hiện chưa có thông tin về trường hợp lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị nhiễm và nghi nhiễm dịch Covid-19.

Theo Thanh niên