Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bình tăng cường đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

20/08/2020 15:14:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Những năm qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được huyện Yên Bình đặc biệt quan tâm. Đây được xem là kênh giúp NLĐ giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình lập danh sách người đăng ký tham gia xuất khẩu lao động

Đẩy mạnh công tác XKLĐ theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Yên Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo XKLĐ, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tham gia XKLĐ tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chính sách của tỉnh về XKLĐ ở tất cả các xã, thị trấn; tạo điều kiện cho các đơn vị tuyển chọn lao động, thông qua mô hình liên kết giữa các đơn vị với chính quyền địa phương và NLĐ. 

Hàng năm, huyện giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là cơ quan thường trực, chủ động xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng XKLĐ tới các xã, thị trấn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền về XKLĐ. Nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động XKLĐ, công tác đào tạo văn hóa và dạy nghề, học tiếng… trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài được quan tâm. 

Mục tiêu của công tác XKLĐ là giúp các gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Không những thế, sau khi NLĐ được tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính kỷ luật trong lao động và nâng cao tay nghề, dễ tìm được việc làm sau khi hết hợp đồng về nước. 

Ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: "Hàng năm, chúng tôi tổ chức trung bình trên 20 buổi tuyên truyền tới tất cả các xã, thị trấn về công tác XKLĐ với nội dung như: tìm hiểu về XKLĐ, độ tuổi, tay nghề, thị trường lao động và luật pháp nước sở tại đối với người XKLĐ để giúp NLĐ tìm hiểu kỹ các đơn vị tham gia tuyển dụng. 

Hiện nay, số người của huyện đang làm việc ở nước ngoài khoảng trên 1.000, chủ yếu làm các nghề như: điện, điện tử, xây dựng, cơ khí, công nghệ ô tô, kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp... Từ năm 2016 đến nay, huyện đưa 541 người đi XKLĐ, trung bình từ 120 người đến 160 người/năm. Những người đi XKLĐ chiếm trên 70% thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập trung bình. Qua khảo sát, 98% số hộ có người đi XKLĐ về nước đều thoát nghèo bền vững”.

Yên Bình có địa bàn rộng, giao thông đi lại còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, ít người có trình độ tay nghề để đi XKLĐ. Bởi vậy, các doanh nghiệp lớn ít đến tham gia tuyển dụng lao động ở địa phương. 

Theo khảo sát hàng năm, số lao động cần được giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Trong số này, đa phần tự giải quyết việc làm thông qua đi làm việc ngoài tỉnh và một số tự tìm việc làm ở địa phương như: xây dựng, giao thông vận tải, ngành nông, lâm, thủy sản và thương mại - dịch vụ… 

Hiện nay, số người tham gia XKLĐ của huyện Yên Bình đang làm việc ở trên 15 nước; trong đó, tỷ lệ nữ chiếm 30%, đa phần ở các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… Trong đó, một số thị trường cho thu nhập cao như: Nhật Bản từ 30 đến 40 triệu đồng/người/tháng; Hàn Quốc 25 đến 30 triệu đồng/người/tháng; Đức, từ 20 đến 30 triệu đồng/người/tháng… 

Người đi XKLĐ đều gửi tiền về gia đình để xây, sửa nhà, mua nhiều đồ dùng sinh hoạt và nhiều gia đình thoát nghèo như ở xã Phú Thịnh, là gia đình ông Nguyễn Đình Hải, thôn Lem; Nguyễn Tiến Công, thôn Đăng Thọ; Trịnh Thị Bình, thôn Đồng Tâm… 

Năm 2020, huyện đề ra mục tiêu đưa 100 người đi XKLĐ, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, đến nay mới có 1 người đi XKLĐ tại thị trường Nhật Bản. Hiện, 70 NLĐ đang tham gia học tiếng Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hà Nội, dự kiến số này sẽ đi XKLĐ từ tháng 10 tới.

Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác XKLĐ ở huyện Yên Bình trong thời gian tới là tăng cường công tác giúp NLĐ nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài; quản lý tốt số doanh nghiệp được cấp phép tuyển dụng lao động, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ tránh thiệt hại cho NLĐ; chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng thị trường lao động ngoài nước, nhất là thị trường có thu nhập cao. Đồng thời, gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp XKLĐ với NLĐ, yêu cầu thực hiện đầy đủ điều kiện, quy định tại hợp đồng ở địa phương, giúp NLĐ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.