Sức bật từ phong trào xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái

07/02/2017 10:38:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự cố gắng, nỗ lực của người dân, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2016, tỉnh đã có thêm 12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 07 xã so với kế hoạch đề ra, đạt 240% kế hoạch. Đón xuân Đinh Dậu 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tràn đầy niềm vui, ấm no và hy vọng quê hương ngày càng thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Trong không khí phấn khởi đầu năm mới, phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa đồng chí, trong năm 2016, tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đồng chí có thể chia sẻ một vài đánh giá khái quát về những chuyển biến của nông thôn Yên Bái từ khi thực hiện Chương trình đến nay?

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh:                                              

Năm 2016, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả rất nổi bật. Trong năm 2016 đã có thêm 12 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đạt 18 xã. Số xã đạt dưới 5 tiêu chí chỉ còn 11 xã. Có thể khẳng định nông thôn Yên Bái đã có sự chuyển biến lớn từ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay. Cụ thể:

Về phát triển cơ sở hạ tầng: Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tạo nên những đột phá rõ rệt về phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần tích cực thay đổi diện mạo nông thôn mới của tỉnh. Toàn tỉnh đã kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng với tổng chiều dài đạt trên 650 km và mở mới nền đường với chiều dài trên 1.300 km; Sửa chữa, nâng cấp, làm mới 405 công trình thuỷ lợi; Đầu tư xây mới, nâng cấp 19 công trình nước sạch tập trung, trên 75 điểm thu gom xử lý rác thải và hàng nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh; Xây dựng được 63 công trình văn hóa, 62 công trình thể thao.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Trong những năm qua, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tuy là tỉnh nghèo, nhưng hàng năm tỉnh Yên Bái đã bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 50 - 60 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ những chính sách hiện tại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng cao; an ninh lương thực được đảm bảo; sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa tập trung, bước đầu hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung như vùng quế, chè, sơn tra, gỗ nguyên liệu…; một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Hiện tại, tỉnh Yên Bái đang triển khai các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó đã tiến hành tổ chức xây dựng 08 đề án chi tiết sản xuất hàng hóa tập trung đối với những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ cho 08 đề án, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường: Tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học năm sau cao hơn năm trước. Việc khám chữa bệnh cho người dân nông thôn ngày càng được quan tâm. Các thiết chế văn hóa và môi trường ở nông thôn được xây dựng. Trên 48% thôn, xóm được công nhận làng văn hóa. Các phong trào về vệ sinh môi trường, trồng và bảo vệ cây xanh, cải tạo vườn tạp, cải tạo công trình vệ sinh, sửa sang cổng ngõ được hình thành, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp cho nông thôn Yên Bái.

Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội: Trên địa bàn tỉnh có 100% các xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định. Trình độ cán bộ của các xã cơ bản đạt chuẩn. Công tác an ninh trật tự được giữ vững, phong trào toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự được đẩy mạnh, cơ bản không có các tệ nạn xã hội xảy ra.

Có thể đánh giá tổng quát rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tạo nên những bước đột phá, có sự khác biệt rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng tại các xã. Thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể (năm 2016 đạt 29 triệu đồng/người/năm). Bộ mặt nông thôn của các xã có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. An ninh trật tự trên địa bàn nông thôn ngày càng được củng cố, giữ vững.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

PV: Là tỉnh miền núi, nguồn lực còn hạn chế, trong khi xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn vốn lớn, để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Yên Bái đã có những giải pháp nào để huy động nguồn lực và phát huy vai trò của người dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh:

Để huy động được nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái xác định cần phải đẩy mạnh, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, để nâng cao nhận thức của người dân, để người dân hiểu rõ: Xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ thể, người dân phải chủ động tham gia thì công cuộc xây dựng nông thôn mới mới thành công. Vấn đề chủ thể, chủ động tham gia của người dân được thể hiện bằng cách đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để huy động nội lực của nhân dân vào chương trình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình MTQG, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để xây dựng nông thôn mới. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia vào Chương trình. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 và các năm tới theo đúng kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đề ra. Đồng thời bổ sung một phần nguồn vốn của ngân sách tỉnh để hỗ trợ các xã, đặc biệt là những xã có thành tích nổi bật trong triển khai thực hiện Chương trình.

PV: Xây dựng nông thôn mới đã tạo bước chuyển biến về nhận thức của cán bộ địa phương và người dân, bằng việc chủ động tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động để thực hiện chương trình. Xin đồng chí cho biết tỉnh Yên Bái đã có những chính sách thiết thực gì để hỗ trợ, động viên khen thưởng các đơn vị, cá nhân làm tốt để nhân rộng phong trào trên toàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh:

Nhằm kịp thời động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong kế hoạch đã đề cập rõ: đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh sẽ thưởng hỗ trợ cho xã 500 triệu đồng/xã để xây dựng các công trình phúc lợi; đối với các tập thể, cá nhân có thành tích sẽ được tặng thưởng bằng khen của UBND tỉnh với mức thưởng theo quy định hiện hành.

Trong kế hoạch cũng đã yêu cầu các địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan phát động các phong trào thi đua; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể theo nhiệm vụ của mình cùng tham gia vào phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”. Giao cho cơ quan thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh (Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ) tổng hợp, theo dõi vào báo cáo UBND tỉnh đề kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị, cá nhân làm tốt để nhân rộng phong trào trên toàn tỉnh.

PV: Bước vào năm 2017, để thực hiện tốt những mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thì tỉnh Yên Bái sẽ tập trung triển khai những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh:

Năm 2017, tỉnh Yên Bái phấn đấu có thêm 12 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 30 xã. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp chính đó là:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh hiểu rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế - xã hội và xác định trách nhiệm “chủ thể“ của người dân.

Hai là, thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các đề án phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

Ba là, tăng cường sự phối hợp, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Bốn là, kết hợp giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và triển khai trên diện rộng. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đã đăng ký và có khả năng phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2017.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Nga