Yên Bình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

10/07/2017 15:20:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của huyện Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao với mức thu nhập ổn định được hình thành, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Đây là cơ sở quan trọng để huyện thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Huyện Yên Bình đang tập trung tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Với mục tiêu là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Huyện Yên Bình đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Minh chứng kết quả bước đầu thực hiện đề án này là Yên Bình đã xác định rõ hướng phát triển các loại cây, con chủ lực theo phương châm khai thác và phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương.

Thành quả rõ nét nhất qua thực hiện tái cơ cấu của huyện Yên Bình là huyện đã giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và tăng mạnh về thủy sản nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà và ao hồ nhỏ. Giảm dần độc canh lúa, giảm mạnh diện tích sắn và tăng mạnh diện tích cây ăn quả (chủ yếu là cây ăn quả có múi), cây lâm nghiệp (cây quế, tre măng Bát độ), chăn nuôi để sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa và xuất khẩu có giá trị cao. Góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản của huyện hiện đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 657,2 tỷ đồng so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng đạt 6,2%. Trong đó, nông nghiệp chiếm 62,64%, giảm 10,8%; lâm nghiệp chiếm 20,56% giảm 0,64%; Thủy sản chiếm 16,8%, tăng 11,44%.

Đến thăm mô hình nuôi cá lồng của chị Nguyễn Thị Hoa - thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, Xung quanh nhà bè là hơn chục chiếc lồng sắt, nuôi đủ các loại cá như nheo, chép, trắm cỏ, rô phi... Chị Hoa hồ hởi cho biết, năm 2016, chị xuất bán được hơn 3,5 tấn cá, trừ chi phí lãi hơn 80 triệu đồng. Trước đây, chị là một trong những hộ nghèo của thôn Ao Khoai, tháng ngày chỉ mong kiếm đủ miếng ăn. Nhà gần hồ, gia đình có nuôi cá trong lồng tre, nứa nhưng chỉ để cải thiện bữa ăn và thỉnh thoảng bán được vài cân. Từ khi có chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng thuộc Đề án Nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi của UBND tỉnh Yên Bái, gia đình chị  Hoa đã mạnh dạn đầu tư 12 lồng sắt để nuôi cá trên hồ Thác Bà. Kinh tế khá giả, của ăn của để cũng có từ nuôi cá.

Không chỉ có gia đình chị Hoa mà còn nhiều hộ gia đình khác sinh sống xung quanh vùng hồ Thác Bà cũng đã làm giàu từ nghề nuôi cá lồng. Đến nay, toàn huyện Yên Bình phát triển được 482 lồng nuôi cá, 164 ha diện tích quây lưới nuôi cá trên các eo ngách hồ Thác Bà. Trung bình, sản lượng cá thịt đạt từ 4 - 5 tạ /lồng, cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/lồng/ mỗi năm. Nhờ nuôi cá, nhiều hộ đã có thu nhập cao thoát nghèo và tạo nhiều việc làm mới cho lao động địa phương.

Còn với xã Bạch Hà, thời gian qua Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung làm tốt việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuối kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và huyện cũng đã được xã triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Năm 2016, xã Bạch Hà đã có 25 hộ gia đình được hỗ trợ 115 triệu đồng để mua bưởi giống, phân bón để trồng mới 4,7 ha cây ăn quả theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hỗ trợ 150 triệu đồng từ Chương trình 135 của tỉnh cho 15 hộ nghèo thuộc 3 thôn đặc biệt khó khăn mua bò giống phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 9,54 %. Bạch Hà cũng đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang nỗ lực hoàn thành nốt 2 tiêu chí còn lại, đó là tiêu chí số 11 về hộ nghèo và tiêu chí số 17 về môi trường để được công nhận xã chuẩn nông thôn mới vào tháng 10 năm 2017.

Trong lĩnh vực trồng trọt, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa như vùng lúa, vùng chè, vùng cây ăn quả, vùng tre măng bát độ…Đến hết năm 2016, 6 đề án thành phần đều thực hiện vượt mức kế hoạch đó là Đề án Phát triển cây ăn quả, thực hiện ở 24 xã, kết quả đã trồng được 156,5 ha; Đề án Phát triển cây quế, thực hiện ở 5 xã trồng được 275 ha; Đề án Phát triển chăn nuôi lợn đều đạt và vượt mức kế hoạch; Đề án Phát triển chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá lồng, nuôi cá eo ngách trên hồ Thác Bà đã và đang trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Bước vào năm 2017, trên cơ sở đăng ký của các xã và chỉ tiêu phân bổ của tỉnh, huyện nhà đã phân bổ cho tất cả 26 xã, thị trấn triển khai 30 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Triển khai hỗ trợ 1 lần đóng mới lồng nuôi cá cho 4 xã, thị trấn với tổng số là 120 lồng với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Cùng với đó phân bổ 60 ha mặt nước hồ cho 20 cơ sở tại 8 xã là: Phúc Ninh; Vũ Linh; Vĩnh Kiên, Thịnh Hưng; Đại Đồng; Tân Hương; Mông Sơn và thị trấn Yên Bình với tổng kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng.

Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả có múi, năm nay huyện nhà được tỉnh phân bổ thực hiện 80,55 ha, trên cơ sở đó UBND huyện đã phân bổ cho 22 xã thị trấn gồm bưởi Diễn; cam Sành, cam Vinh; cam V2; cam Đường canh. Đối với các hộ có diện tích dưới 0,5 ha có nhu cầu trồng các loại cây ăn quả, huyện nhà đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép nguồn vốn chương trình nông thôn mới hoặc chương trình 135 năm 2017 để hỗ trợ các hộ sản xuất. Năm nay, huyện Yên Bình cũng được tỉnh phân bổ hỗ trợ trồng mới 100 ha quế. Trên cơ sở đó huyện đã phân bổ cho 5 xã trồng tập trung đó là Đại Đồng, Tân Hương, Cảm Ân, Bảo Ái và Tân Nguyên. Đến thời điểm này nhận dân đã trồng được trên 50% diện tích, và bà con sẽ tiếp tục trồng diện tích còn lại vào vụ thu  tới.

Đối với Đề án phát triển cây măng tre Bát độ, năm nay, huyện Yên Bình được tỉnh phân bổ trồng 205,9 ha. Trong đó có 105,9 ha chuyển từ năm 2016 sang trồng vụ Xuân năm 2017. Hiện nay đã trồng 107,5/105,9 ha kế hoạch vụ Xuân, và đang được nghiệm thu hỗ để hỗ trợ kinh phí. Đồng thời tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn đăng ký diện tích để thực hiện chỉ tiêu hỗ trợ của tỉnh là 100 ha, dự kiến trồng vào tháng 8 và tháng 9 năm 2017 để tiến hành nghiệm thu, hỗ trợ kinh phí vào tháng 10.

Yên Bình là huyện nông nghiệp, do vậy, việc thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp là rất quan trọng. Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, chú trọng khuyến khích mạnh vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tập trung triển khai quy hoạch và phân vùng sản xuất theo lợi thế từng vùng và chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Xây dựng thêm nhiều các mô hình sản xuất an toàn, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường liên kết phát triển thị trường tiêu dùng trong nước như sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, rau an toàn, gia súc, gia cầm sạch, cây ăn quả đặc sản có múi.

Việc triển khai các Đề án, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông lâm nghiệp, thủy sản của huyện phát triển từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn.

Thu Nga