Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Một dự án cải thiện điều kiện sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

10/12/2020 08:49:00 Xem cỡ chữ
Bà Hoàng Kim Oanh chia sẻ: "Được tham gia buổi sinh hoạt, tôi hiểu thêm thế nào là bạo lực gia đình (BLGĐ); pháp luật và nguyên tắc phòng, chống BLGĐ. Nếu như trước, theo tôi, chỉ có đánh đập mới là bạo lực thì nay mới biết BLGĐ có 4 loại: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục...".

Người dân bản Chao, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên tham gia sinh hoạt chuyên đề với chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình.

Được tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình, người dân bản Vần, bản Chao, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên hiểu hơn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) để từ đó vun đắp gia đình luôn hòa thuận, yên ấm. 

Bà Hoàng Kim Oanh - người dân bản Vần chia sẻ: "Được tham gia buổi sinh hoạt, tôi hiểu thêm thế nào là BLGĐ; pháp luật và nguyên tắc phòng, chống BLGĐ. Nếu như trước, theo tôi, chỉ có đánh đập mới là bạo lực thì nay mới biết BLGĐ có 4 loại: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục... Mọi người cần hiểu để tuyên truyền với các thành viên trong gia đình không vi phạm và cư xử tốt với nhau”.

Đó chính là một trong những buổi sinh hoạt chuyên đề của Dự án "Quản lý cộng đồng và nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số Tày, Mông nhằm cải thiện điều kiện sống” do Tổ chức Đoàn kết Quốc tế (SODI) tài trợ cho người dân 2 xã khó khăn Việt Hồng và Hồng Ca của huyện Trấn Yên.

Ngoài được tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, người dân ở thôn Bản Khun và thôn Khe Tiến của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên còn được tập huấn nâng cao nhận thức về: Pháp lệnh Quy chế dân chủ ở cơ sở; quyền thừa kế, quyền trẻ em, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, hợp đồng dân sự... 

Anh Hờ A Lâu - người dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca cho hay: "Từ khi tham gia Dự án, chúng tôi được tham gia sinh hoạt nhóm, cùng bàn bạc đưa ra các vấn đề cần của bà con trong thôn như: làm nhà văn hóa, làm các tuyến đường, mương máng phục vụ sinh hoạt sản xuất. Được tham gia các buổi tập huấn, học tập các kiến thức pháp luật, chúng tôi luôn bàn bạc, công khai mọi hoạt động để người dân cùng hiểu và rút kinh nghiệm sau mỗi tiểu dự án”. 

Đây cũng là bài tập để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy trách nhiệm đối với cộng đồng thông qua việc tập trung lựa chọn, giải pháp giải quyết vấn đề chung của cộng đồng như: bàn bạc xây nhà văn hóa, hệ thống mương, đường thôn theo đúng nguyện vọng chung của người dân. Sau đó, cùng nhau lập kế hoạch để giải quyết công việc, thực hiện và giám sát, đánh giá. Từ đó, phát huy trách nhiệm của từng người trong cộng đồng.

Theo ông Phan Duy Anh - cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em: "Dự án được triển khai thuận lợi bởi ngay từ khi xây dựng đã có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và nhận được sự đồng thuận của người dân”. 

Với sự tài trợ của Tổ chức Đoàn kết Quốc tế (SODI), Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) cùng sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, sau 18 tháng, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I với 4 nhà văn hóa có công trình phụ khép kín, có sân và tường rào bao quanh; hoàn thành 12 tiểu dự án; đặc biệt, là tiểu dự án nâng cao năng lực cho người dân từ các buổi sinh hoạt chuyên đề, góp phần nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số Tày, Mông, giúp họ phát huy trách nhiệm, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng. 

 

Theo Báo Yên Bái