Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: Những điểm mới và vấn đề cần quan tâm

03/04/2017 08:37:00 Xem cỡ chữ
Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 (thay thế Luật Ngân sách nhà nước năm 2002) đã được Quốc hội (khóa XII) thông qua và chính thức có hiệu lực thi thành từ năm ngân sách 2017.

Luật NSNN quy định thu NSNN bao gồm toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và DNNN thực hiện nộp NSNN theo quy định của pháp luật; các khoản viện trợ không hoàn lại của chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương…

Luật cũng quy định rõ bội chi NSNN bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh. Theo đó, bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng chi ngân sách trung ương. Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh không bao gồm chi trả nợ gốc và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương.

NSNN được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Luật yêu cầu việc quản lý quỹ dự trữ tài chính cụ thể hơn và chặt chẽ hơn. Theo đó, Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ lập quỹ dự trữ tài chính từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách, bố trí dự toán chi ngân sách hàng năm và các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hàng năm của cấp đó.

Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng trong các trường hợp: cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách.

Trường hợp thu NSNN hoặc vay để bù đắp bội chi không đạt mức dự toán được Quốc hội, HĐND quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi, nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.

Ngân sách sẽ được thực hiện công khai, với nội dung công khai gồm: số liệu và báo cáo thuyết minh dự toán NSNN trình Quốc hội, HĐND... dự toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tình hình thực hiện NSNN và quyết toán NSNN; kết quả thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nhà nước, trừ số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, dự trữ quốc gia.

Việc công khai NSNN được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mục tiêu hết sức rõ ràng của Luật NSNN năm 2015 là nhằm tăng cường kỷ cương ngân sách và tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý ngân sách. Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi Luật hiệu quả, trong quá trình thực hiện cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: công khai NSNN để đáp ứng yêu cầu minh bạch trong quản lý sử dụng ngân sách, thể hiện trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân liên quan đến NSNN, đáp ứng quyền được báo cáo và giám sát và nhu cầu thông tin về ngân sách của các tổ chức, cá nhân.

Phải thống nhất về hình thức, quy trình, thời gian công khai và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu khi được yêu cầu, vì đây là các quy định có tính bắt buộc để đảm bảo việc thực hiện nhất quán, kịp thời. Song song với việc công khai, minh bạch là việc thực hiện cơ chế giám sát của cộng đồng; đây là nội dung mới của Luật NSNN 2015.

Để đảm bảo việc thực thi cơ chế này có hiệu quả, cần tập trung hướng dẫn công tác tổ chức, giám sát như: thành phần tham gia giám sát, thời gian giám sát, hình thức giám sát, nội dung giám sát, cơ chế kiến nghị, trách nhiệm giải trình kiến nghị và hiệu lực của kiến nghị thông qua cơ chế giám sát của cộng đồng và nâng cao năng lực giám sát về ngân sách.

 

Theo Báo Yên Bái