Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái tập trung nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

16/11/2023 10:56:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 57,3 %. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; thời gian qua, tỉnh Yên Bái lồng ghép các chính sách của TW, của tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách; cũng như tuyên truyền, vận động giúp đồng bào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước; nhờ đó đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc.

Ảnh minh hoạ.

Là thôn đặc biệt khó khăn của xã Sùng Đô, thôn Giàng Pằng cách trung tâm xã chừng 30 km, không những vậy, nơi đây còn cách trở bởi địa hình do đi qua xã Nậm Mười mới tới được thôn. Vì nằm trên núi cao, không điện sinh hoạt, không sóng điện thoại, đường xá đi lại khó khăn, nên người dân ở đây ít được tiếp cận với thông tin từ bên ngoài; nhất là những thông tin liên quan đến chính sách, đến pháp luật. Trên cơ sở nhu cầu thực tế, cuối năm 2022 trên cơ sở chính sách từ chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bà con ở thôn Giàng Pằng đã được hỗ trợ téc nước sinh hoạt, máy nông cụ để phục vụ sản xuất.

Anh Vàng A Trư - Thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn cho biết: Bây giờ tec nước cũng dủ dùng, cho gia đình rồi, cũng không thiếu nước như trước kia nữa; trước kia không có tec nước để chứa thì hay thiếu nước, nhất là mùa nắng không đủ nước dùng, toàn đi lấy dưới suối về dùng

Không chỉ có chính sách hỗ trợ an sinh, những năm qua, các địa phương còn làm tốt công tác tuyên truyền vận động, bà con chấp hành tốt pháp luật; điển hình như việc hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Lựa chọn những địa bàn xã, thôn vùng cao làm trọng điểm, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi tệ nạn này.

Em gái của chị Lẩu Thị Mỷ ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn năm nay mới 14 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ lại bệnh tật, ốm đau. Cũng như bao thiếu nữ người Mông khác, em cũng có ý định lấy chồng. Biết được hoàn cảnh của gia đình, các báo cáo viên, tuyên truyền viên của xã Suối Bu đã ngay lập tức có mặt để phân tích, tư vấn, giúp gia đình hiểu rõ những hệ lụy có thể xảy ra khi rơi vào tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bà Sùng Thị Xía - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái: Nếu chỉ tuyên truyền bằng pa nô, khẩu hiệu, áp phích treo bên ngoài hay trực quan thì cũng rất khó. Cho nên khi chuẩn bị phương pháp tuyên truyền, chúng tôi phải có những bằng chứng cụ thể để tuyên truyền. Khi tuyên truyền nếu sử dụng tiếng phổ thông thì dân người ta cũng không hiểu nên tôi sẽ tuyên truyền bằng tiếng dân tộc.

Để từng bước đưa chính sách, pháp luật của nhà nước tới tay đồng bào các dân tộc thiểu số; những năm qua Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị trong tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Trong đó thành viên của những khóa bồi dưỡng lần này chủ yếu là Bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, các chi hội và cộng đồng người dân; trong đó nội dung tập huấn tập trung chủ yếu đó là Kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, chế biến dự trữ thức ăn cho gia súc; Phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với trồng, chăm sóc một số loại cây dược liệu bản địa.

Chị MÙA THỊ MÁY - Bản Háng Sung xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải: “Sau lớp tập huấn này thì tôi trở về địa phương có thể vận động bà con trong bản, chị em phụ nữ về chăn nuôi có thể là nuôi gà đen, lợn cắp nách và phát triển kinh tế gia dình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số; theo đó  để triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tỉnh Yên Bái hiện có 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần đang được triển khai thực hiện với tổng kinh phí giao gần 1.200 tỷ đồng. Đến nay đã đầu tư 181 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các máy nông cụ, hỗ trợ cây, con giống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông  Đỗ Quang Vịnh - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái: Bám sát nhiệm vụ, ban hành những văn bản, làm sao để các nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc được triển khai thực sự kịp thời và hiệu quả; từng ngành, từng lĩnh vực, các địa phương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, thì phải tham mưu, ban hành kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành việc giải ngân các nguồn vốn được giao; Ban cũng sẽ phối hợp với các ngành, huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, mục tiêu, khi triển khai được đảm bảo, tránh chồng chéo, trùng lắp…

Với những hoạt động tích cực đó, nhận thức, ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và của Yên Bái nói riêng, hướng tới một Yên Bái “Xanh, Hài hòa, Bản sắc và Hạnh phúc”.

Ban Biên tập