CTTĐT - Những năm gần đây, ngành công nghiệp Yên Bái đã được cơ cấu lại, có lộ trình và bước đi phù hợp. Tỉnh cũng đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp theo chiều sâu, theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ứng dụng công nghệ cao.
Tăng cường chống dịch khu công nghiệp, đảm bảo phát triển sản xuất
Trong vấn đề phát triển khu, cụm công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020 gồm: KCN phía Nam, KCN Minh Quân và KCN Âu Lâu với tổng diện tích quy hoạch được phê duyệt 632 ha.
Thời gian qua, tỉnh và Ban Quản lý các KCN đặc biệt quan tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư nói chung và đầu tư vào các KCN đạt những kết quả khả quan.
Tính đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 86 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 15.825 tỷ đồng, diện tích đất đăng ký sử dụng 479,49 ha.
Trong đó, 71 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 13.568 tỷ đồng (KCN phía Nam 57 dự án, KCN Minh Quân 6 dự án và KCN Âu Lâu 8 dự án). Trong tổng số 71 dự án kể trên có 35 dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; 13 dự án đã khởi công đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản; 23 dự án đang trong giai đoạn đến bù giải phóng mặt bằng.
Đến nay, tỷ lệ lấp đầy KCN Minh Quân đạt 98,31%; KCN Âu Lâu đạt 69,1%; KCN phía Nam tỷ lệ lấp đầy Khu B + Khu C là 100%, Khu A đạt trên 95%. Nhiều dự án đầu tư vào các KCN đã góp phần quan trọng vào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu cũng như giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN 11 tháng năm 2021 đạt trên 4.265 tỷ đồng; doanh thu tiêu thụ ước đạt trên 4.343 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 42 triệu USD. Các dự án đi vào hoạt động tạo việc làm ổn định cho khoảng 4.720 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong 2 năm trở lại đây, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào các KCN, số lượng nhà đầu tư giảm cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế tỉnh còn khó khăn nên chưa bố trí được nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng cho các KCN, các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án phải ứng trước kinh phí để đền bù, giải phóng mặt bằng, thời gian kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Hạ tầng các KCN chưa được xây dựng đầu tư đồng bộ, hiện nay quỹ đất quy hoạch làm đất công nghiệp trong các KCN vẫn còn, nhưng nằm ở vị trí chưa được xây dựng hạ tầng kỹ thuật vì vậy khó khăn trong thu hút, mời gọi đầu tư. Để khắc phục hạn chế trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động mời nhà đầu tư đến làm việc để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục về đất đai. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các dự án, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng; định kỳ làm việc với các doanh nghiệp để động viên, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ phát triển công nghiệp, đảm bảo điều kiện để các dự án vận hành hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, tiềm lực đầu tư thực hiện dự án, đặc biệt là các nhà đầu tư hạ tầng KCN...
724 lượt xem
Ban Biên tập