CTTĐT - Tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025. Theo đó, lộ trình thực hiện được chia làm 3 giai đoạn với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những giải pháp được tỉnh Yên Bái chú trọng để bảo vệ trẻ em tại địa bàn
Giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2021, gồm các hoạt động: Xây dựng các văn bản, quy chế phối hợp liên ngành, kế hoạch thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành đáp ứng với mục tiêu phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025; Tập huấn, truyền thông, nâng cao năng lực, thay đổi nhận thức , hành vi, thái độ của người chăm sóc trẻ, cộng tác viên tại cộng đồng; Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em từ 06 đến dưới 16 tuổi về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nâng cấp và rà soát, hình thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp; Nâng cao năng lực y tế cho nhân viên y tế các cấp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và quy trình can thiệp, trợ giúp khẩn cấp; Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực học đường; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng và phát triển mô hình Phòng điều tra thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên.
Giai đoạn 2 từ năm 2022 đến năm 2023, với các hoạt động: Tiếp tục thực hiện các nội dung, hoạt động ở giai đoạn 1; Xây dựng và phát hành các sản phẩm truyền thông tới cộng đồng; Tích hợp các nội dung phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vào kế hoạch giáo dục tại các trường học; Vận hành hiệu quả mạng lưới cung cấp dịch vụ, hỗ trợ can thiệp cho trẻ em bị tổn thương tại cơ sở giáo dục và cộng đồng; Lồng ghép hoạt động phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vào hoạt động khám, chữa bệnh cho trẻ em và hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong bệnh viện; Thực hiện quy định và tiêu chuẩn về hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; Kiểm tra, giám sát, sơ kết việc thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Yên Bái.
Các hoạt động của giai đoạn 3 từ năm 2024 đến năm 2025 gồm: Tiếp tục thực hiện các nội dung ở giai đoạn 2 và 3; Học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong và ngoài tỉnh; Đánh giá, tổng kết các hoạt động triển khai trong giai đoạn 2020-2025 về việc thực hiện kế hoạch và đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong giai đoạn tiếp theo.
Với hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em, tỉnh sẽ hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm trong việc bảo vệ trẻ em. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và giáo dục về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong cơ sở giáo dục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em và quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và số điện thoại tổng đài bảo vệ trẻ em tỉnh Yên Bái 18001776. Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục nhà trường; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học. Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, tỉnh sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; Tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Tại kế hoạch, tỉnh cũng đề ra giải pháp thực hiện gồm: Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; chú trọng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và tổng đài bảo vệ trẻ em tỉnh Yên Bái 18001776; duy trì việc thực hiện hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em…
1864 lượt xem
Ban Biên tập