CTTĐT - Tình hình xâm hại trẻ em từ năm 2015 đến nay có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là xâm hại tình dục với trẻ em gái. Trong thời gian qua các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái đã triển khai các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, tuy nhiên tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn xảy ra; phương thức, thủ đoạn xâm hại ngày càng tinh vi, liều lĩnh và khó lường.
các cấp chính quyền, địa phương, nhà trường và gia đình cần phải có "chiến dịch” dài hơi, thường xuyên dạy cho con em kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ để bảo vệ bản thân mình
Giai đoạn từ năm 2015 - 2019, tỉnh Yên Bái có 228.353 trẻ (trong đó nam là 123.310 trẻ; nữ là 105.043 trẻ). Số lượng trẻ em có cha, mẹ ly hôn là 4.366 trẻ. Số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: 3.890 trẻ. Tổng số trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến tháng 6/2019 là 136 em, trong đó số vụ trẻ em bị giết hại 02 vụ, 02 đối tượng; Số vụ hiếp dâm trẻ em 33 vụ, 34 đối tượng; Số vụ cưỡng dâm trẻ em 01 vụ, 01 đối tượng; Số vụ giao cấu trẻ em 50 vụ, 49 đối tượng; số vụ mua bán trẻ em 12 vụ, 28 đối tượng; số vụ chiếm đoạt trẻ em 02 vụ, 02 đối tượng; số vụ dâm ô trẻ em: 17 vụ, 16 đối tượng; số vụ cố ý gây thương tích cho trẻ em 05 vụ, 10 đối tượng; các hành vi xâm hại khác 14 vụ, 14 đối tượng.
Trong số các vụ việc trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị xâm hại về tình dục (XHTD) và số trẻ em bị mua bán chiếm tỷ lệ khá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ và bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước đây, trẻ em bị XHTD thường trong độ tuổi từ 13 - 18, thì nay xuất hiện nhiều ở lứa tuổi 5 - 13. Những vụ việc XHTD trẻ em được thống kê hàng năm mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm” và vẫn còn rất nhiều vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng do nạn nhân xấu hổ giấu kín hoặc gia đình không tố cáo.
Số liệu trẻ em bị xâm hại do cơ quan chức năng và các địa phương thống kê, báo cáo là những trường hợp nhận được tin báo, tố giác, được tiếp nhận và giải quyết xử lý theo quy định. Thực tế, còn những trường hợp trẻ em bị xâm hại (như ngược đãi; bạo lực; bỏ mặc; đánh đập; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần trẻ em...) chưa được tố giác, phát hiện và thống kê kịp thời, gây khó khăn và ảnh hưởng tới công tác dự báo, đánh giá tình hình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị XHTD, song phần lớn là do cha mẹ còn xao nhãng, bỏ mặc con cái; cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; trẻ em ở nhà một mình hoặc đi đâu đó một mình ở nơi vắng, tạo điều kiện cho kẻ xấu có hành vi XHTD; một số trẻ bị XHTD song không hề biết mình bị xâm hại; sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực và khiêu dâm...
Qua giám sát cho thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác trẻ em; ban hành kịp thời, đầy đủ, đúng thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Cùng với đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã chú trọng việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng chống xâm hại trẻ em được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Tổ chức bộ máy làm công tác trẻ em được quan tâm và kiện toàn từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng yếu tố mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống thực dụng, sự phát triển mạnh mẽ của internet trong đó có tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm... cùng với những hiện tượng tiêu cực khác của xã hội có những tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, hành vi, lối sống, sự phát triển lệch chuẩn của một bộ phận trẻ em và cả người lớn. Nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến hành vi phạm tội. Mức độ nhận thức, kỹ năng phòng vệ và tự bảo vệ bản thân của trẻ em còn yếu, dẫn đến tình trạng dễ bị xâm hại hoặc nhiều khi chính trẻ em là chủ thể của các hành vi bạo lực, xâm hại. Việc thiếu hướng dẫn, định hướng trẻ em trong tiếp cận, sử dụng môi trường mạng Internet làm gia tăng rủi ro cho trẻ khi bị tiếp xúc với những nội dung xấu, từ đó hình thành lối suy nghĩ và cách ứng xử không phù hợp với thực tế cuộc sống. Nguồn lực, cơ sở vật chất, điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ xã hội dành cho trẻ em tuy đã được quan tâm đầu tư vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là ở các địa phương vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác trẻ em còn thấp.
Mặt khác, một số địa phương và cơ sở thiếu sự giám sát, đôn đốc, kiểm tra, chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm; cộng tác viên tại thôn, bản, tổ dân phố chủ yếu là do tình nguyện, chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý, thường xuyên có sự thay đổi, năng lực hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả triển khai các hoạt động. Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn chưa chặt chẽ và hiệu quả, thiếu cơ chế phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình và của trẻ em khi bị xâm hại, sợ bị trả thù dẫn đến việc không tố giác tội phạm, nạn nhân chưa được bảo vệ, chăm sóc kịp thời.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Qua theo dõi số liệu thống kê cho thấy, tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, số trẻ em bị xâm hại không chỉ là nữ mà trẻ em nam bị xâm hại có thể gia tăng, nhất là các hành vi đánh đập, ngược đãi và hành vi cố ý gây thương tích.
Tình trạng XHTD trẻ em đang là một vấn đề nhức nhối rất cần có sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để tạo môi trường tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải có "chiến dịch” dài hơi, thường xuyên dạy cho con kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ để bảo vệ bản thân trong xã hội phức tạp hiện nay./.
2770 lượt xem
Ban Biên tập