Các ngành thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện; biết cách lồng ghép, vận động nguồn lực tham gia vào tiến trình bình đẳng giới từ cấp cơ sở, góp phần thúc đẩy từng bước xoá bỏ định kiến, rào cản, bất bình đẳng giới.
Trong 6 tháng đầu năm Yên Bái tổ chức đoàn giám sát liên ngành về việc triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình, công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước thúc đẩy bình đẳng giới”. Tổ chức Hội thi “Gia đình hạnh phúc” cấp tỉnh; cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, phụ huynh và cộng đồng. Tổ chức chuỗi Hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em tại 05 trường học thu hút trên 2.000 học sinh, giáo viên, cán bộ trường học và người dân địa phương tham dự. Phối hợp với Tập đoàn Hoa Sen tổ chức Chương trình “Mái ấm gia đình Việt” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tổ chức Hội thảo cấp tỉnh với chủ đề “Giải pháp về phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Yên Bái”. Tổ chức sự kiện truyền thông với các chủ đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Lắp đặt 08 pano tuyên truyền tại huyện Văn Yên và Yên Bình về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền về các tổng đài bảo vệ trẻ em 111 và 18001776.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khối nhà nước và chính quyền cơ sở năm 2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên với 120 học viên, tỷ lệ nữ được tham gia bồi dưỡng, tập huấn với 48 người đạt 40%. Tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện tốt công tác cán bộ đối với cán bộ nữ nhất là quy hoạch cán bộ tham gia cấp ủy, tham gia Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ thuộc đề án, trong đó ưu tiên cán bộ nữ.
Các cơ sở giáo dục đã chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động của nhà trường; tuyên truyền các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới nâng cao nhận thức và thực hành về bình đẳng giới trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành. Tuyên truyền, nhân rộng những điển hình, người có uy tín ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng trong thực hiện bình đẳng giới; Tập trung triển khai hiệu quả Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đối với cấp học phổ thông, các nội dung giáo dục về giới và giới tính được lồng ghép trong các môn Giáo dục công dân, Sinh học. Ngoài ra, nhà trường đã tổ chức lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về sự phát triển của giới tính, sức khỏe sinh sản, các mối quan hệ cá nhân, tình cảm, về ngoại hình, về vai trò của giới... Các trường học cũng đã phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe học đường; giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, có lý tưởng và có tính xung kích cho thanh thiếu niên; tuyên truyền kiến thức về giới, giới tính, phòng chống buôn bán người, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, kỹ năng thoát hiểm, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích, chống sử dụng ma túy, hút thuốc lá và thuốc lá điện tử cho học sinh…
Đa dạng hóa các hình thức truyền thống về bình đẳng giới hướng đến nhóm đối tượng cụ thể, trong đó quan tâm truyền thống thu hút sự tham gia của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ là nam giới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và loại hình truyền thông trên nền tảng sổ để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống mua bán người, chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh.
Chủ động tham mưu lồng ghép tuyên truyền các nội dung bình đẳng giới và các nhiệm vụ chuyên môn của ngành đến đội ngũ cán bộ xã, cán bộ chủ chốt thôn bản, người có uy tín và người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo các cấp Hội tích cực tuyên truyền, tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho hội viên phụ nữ theo Kế hoạch của Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, đã tuyên truyền trên 190 tin, bài, ảnh cung cấp cho hội viên phụ nữ và nhân dân thông tin về những sự kiện nổi bật của đất nước và địa phương trên Website, trang fanpage của Hội, báo Yên Bái, báo Phụ nữ Việt Nam… ; phối hợp lồng ghép tổ chức 1.245 tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, các chính sách của Đảng, Nhà nước cho 78.968 hội viên phụ nữ và nhân dân.
Phối hợp tổ chức 10 sự kiện truyền thông/tập huấn/hội thảo thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển sinh kế hộ gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho 160 cán bộ chính quyền, cán bộ Hội các cấp, thành viên tổ hòa giải, chi hội trưởng và các phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực; Hội thảo tăng cường giải pháp công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Cấp huyện và cơ sở tổ chức 28 buổi tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thu hút 1.640 hội viên, phụ nữ và học sinh tham gia.
Phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vận động ủng hộ và tặng quà cho 1.454 phụ nữ nghèo, trẻ em mô côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo… nhân dịp Tết nguyên đán 2024 với tổng kinh phí bằng tiền và hiện vật trên 630 triệu đồng.
Tổ chức khóa học trực tuyến “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” cho 500 học viên; tổ chức 3 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 90 học viên phụ nữ; phối hợp với cấp huyện tổ chức 12 lớp nghề cho 360 phụ nữ; mở 2 lớp khởi sự kinh doanh cho 60 phụ nữ, 14 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho 168 lao động, tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động 252 người. 08 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp; phòng trách dịch hại tổng hợp cây trồng; kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh cho gia sức gia cầm cho 195 học viên.
Thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vẫn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho đội ngũ thôn tại các huyện thị cho 399 học viên; cấp phát 1.330 cuốn tài liệu tuyên truyền; phối hợp với các sở, ban ngành và cấp huyện tổ chức tập huấn, hội thảo, hội thi thì bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến và các khuôn mẫu giới, phân biệt đối xử về giới. Phối hợp với tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tổ chức 13 lớp tập huấn về nội dung luật pháp chính sách về bạo lực giới, kiến thức và kỹ năng giao tiếp phi bạo lực cho 350 người… Phối hợp với TW Hội tổ chức 01 lớp nghiệp vụ công tác Hội cho 50 học viên; tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 173 chị là Chủ tịch và cán bộ nguồn được quy hoạch Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở và tương đương; tập huấn nghiệp vụ công tác giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo và thi hành kỳ luật trong hệ thống hội cho 232 cán bộ chủ chốt các cấp.
Tuyên truyền về công tác Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh nhằm can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên, ban, ngành, đoàn thể chức năng cùng cấp triển khai tuyên truyền, vận động đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và không xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024. MTTQ các cấp có nhiều cách làm mới, với nhiều giải pháp, mô hình hay để tuyên truyền, nhằm giảm tình trạng tảo hôn, phối hợp với các đoàn thể xây dựng các mô hình “Đồi cây hạnh phúc, đồi cây kỉ niệm”, các mô hình “Dòng họ tự quản không tảo hôn, tổ liên gia tự quản không tảo hôn”. Tuyên truyền và phát 28.000 tờ rơi “Những điều cần biết về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ ba”. Sáu tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 13 trường hợp tảo hôn. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 402 mô hình tự quản về văn hóa, các thành viên tham gia tổ tự quản có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ...
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ….
Ban Biên tập