Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Chuyển đổi số ở Yên Bái: Bước tiến dài từ nhận thức

01/02/2023 09:38:03 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Với cách làm từ các mô hình, biến việc khó thành việc dễ, biến việc lớn thành việc nhỏ thông qua việc thiết lập các mô hình chuyển đổi số theo nguyên tắc Hiểu được”, “thấy được” và “sờ được”. Năm 2022, tỉnh Yên Bái đã tiến một bước dài trong quá trình chuyển đổi số.

Yên Bái đưa chuyển đổi số từ nhận thức thành hành động theo cách làm “từ dưới lên” thông qua việc triển khai các mô hình chuyển đổi số, tập trung vào các công việc, địa điểm có tương tác nhiều với người dân, doanh nghiệp và những việc mang tính thay đổi căn bản nhận thức, thói quen trong hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước. Việc xây dựng các mô hình chuyển đổi số thực hiện theo nguyên tắc “3 được”: “hiểu được” nghĩa là có các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; “thấy được” nghĩa là có cách làm, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng; và “sờ được” nghĩa là kết quả được đo đếm dựa trên số liệu từ hệ thống. Đây là cách làm 3-được về chuyển đổi số của Yên Bái.

 

Xác định chuyển đổi số là lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình chuyển đổi số của Yên Bái trong năm 2022 đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Một trong những giải pháp then chốt thực hiện mục tiêu này là việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Tổ chuyển đổi số cộng đồng tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, huyện hoặc xã. Khi người dân nhận thức được chuyển đổi số tạo giá trị tốt hơn thì sẽ hưởng ứng, sử dụng, thậm chí tiên phong sử dụng, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Từ nhận thức đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu triển khai 9 mô hình điểm về chuyển đổi số, đã có kết quả và nhân rộng, gồm: Chuyển đổi số cấp xã (phường); chuyển đổi số cấp huyện; chuyển đổi số trường học; chuyển đổi số cơ quan nhà nước; công dân số; Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái; Nhà văn hóa số và chuyển đổi số doanh nghiệp. Đến nay đã có 7/9 mô hình triển khai và đạt kết quả; còn lại 3/9 mô hình (Nhà văn hóa số và chuyển đổi số doanh nghiệp) đang hình thành.

Đến hết tháng 6/2022, các địa phương hoàn thành tới 100% cấp xã với 1.744 thành viên và 100% cấp thôn đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 9.107 thành viên. Với kết quả này, tỉnh Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

Năm 2022, toàn tỉnh có 73/173 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện chuyển đổi số (chiếm tỷ lệ 42,2%), trong đó 03/73 xã, phường, thị trấn chuyển đổi số nâng cao.

Văn Yên và thành phố Yên Bái là những địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi số cấp xã.

Tại thành phố Yên Bái đã triển khai tại 5 xã, phường chuyển đổi số, trong đó 01 đã đạt 17/17 mục tiêu, 04 phường đã cơ bản hoàn thành 16/17 mục tiêu.

Huyện Văn Yên ước tính có 18 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã chuyển đổi số, trong đó 2 địa phương (thị trấn Mậu A, xã Đông Cuông) đạt tiêu chuẩn xã chuyển đổi số nâng cao.

Văn Yên là huyện đầu tiên hoàn thành mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng đến 100% thôn, tổ dân phố với 1.322 thành viên; Mô hình công dân số triển khai trên toàn huyện; 100% hồ sơ sức khỏe của người dân đã được vào nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% hộ dân trên địa bàn huyện được thu thập, tích hợp địa chỉ số trên nền tảng Vpostcode; đã hoàn thành triển khai hệ thống đài truyền thanh thông minh tại 07 xã, thị trấn (thị trấn Mậu A, các xã: Đông Cuông, Đông An, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Hạ, Xuân Ái, Lang Thíp). Cơ bản 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có cụm loa truyền thanh (chủ yếu là hệ thống loa FM và loa thông minh); đã vận động, tập huấn, hướng dẫn đưa được 103 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện có đủ điều kiện lên sàn thương mại điện tử. Việc đưa các sản phẩm lên các sàn đã giúp tăng số lượng đơn hàng phát sinh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho chủ thể các sản phẩm.

Mô hình công dân số đã đạt được những kết quả bước đầu. Công dân được cài đặt và sử dụng Nền tảng thanh toán trực tuyến đạt 45%. Số hộ SXNN được cài đặt và sử dụng Nền tảng mua sắm trực tuyến (Voso, Postmart) 16.569 tài khoản; (3) Có 52.959 tài khoản đã được tạo trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhiều đơn vị, địa phương đã có những bước đi cụ thể trong triển khai mô hình công dân số. Tại thành phố Yên Bái đặt mục tiêu trong năm 2022 có 70% công dân trưởng thành của thành phố Yên Bái trở thành công dân số; huyện Văn Yên đã gắn việc tuyên truyền, vận động, phát triển công dân số với việc triển khai giải pháp “Đưa nền tảng số đến người dân” thông qua việc tổ chức: tuần cao điểm chuyển đổi số, tháng cao điểm chuyển đổi số, ngày hội chuyển đổi số tại các xã, thị trấn, các trường học… Dự ước đến hết năm 2022, toàn huyện sẽ có 55.000 công dân số, đạt 67,4% so với tổng số công dân trong độ tuổi lao động của huyện ,

Tại các khu công nghiệp của tỉnh, mô hình công dân số dã được triển khai đến 70% người lao động. Nhiều nền tảng hữu dụng đã được người lao động cài đặt và sử dụng như: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; nền tảng thanh toán trực; nền tảng mua sắm trực tuyến (Voso.vn, Postmart.vn…), nền tảng mở rộng tri thức…

Từ quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, người dân Yên Bái đã dần thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số.

Đến hết tháng 12/2022 tổng số tài khoản hoạt động trên hai sàn thương mại điện tử (Voso và Postmart) của Yên Bái là 149.353, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành về số lượng tài khoản hoạt động. Đã đưa 5.289 sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, trong đó 138/183 sản phẩm OCOP, đặt tỷ lệ 75,4%. Với kết quả này, Yên Bái hiện đứng thứ 8/63 tỉnh, thành về số sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là 1.220 tỷ đồng.

Trên 70% người dân trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh. Hệ thống hội chẩn khám bệnh từ xa33 (Telehealth) tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, đưa Yên Bái trở thành tỉnh thứ 6 trên cả nước triển khai hệ thống Telehealth đến cấp xã.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo 100% cơ sở giáo dục các cấp sử dụng phần mềm quản lý trường học. Ứng dụng e-learning trong giáo dục và khai thác kho học liệu số đáp ứng nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. 100% dữ liệu của giáo viên và học sinh được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục.

Đã đưa vào sử dụng 53 Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với 561 điểm cụm loa đài truyền thanh thông minh. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 60%; tỷ lệ dân số được phủ sóng 3G, 4G đạt 98%; tỷ lệ số hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%37; 30% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử ước đạt 50%.

Đặc biệt tại hai địa phương khó khăn nhất tỉnh là huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử đã được triển khai tới 70% người dân; nền tảng quản lý trạm y tế xã tới 100% trạm y tế xã đã được triển khai thực hiện. Từ đó, tỷ lệ hồ sơ sức khỏe của người dân huyện Mù Cang Chải được tạo lập sổ trên hệ thống đạt 61,17%, huyện Trạm Tấu đạt 62%. Cùng với đó nhiệm vụ triển khai nền tảng địa chỉ số trên cơ sở nền tảng địa chỉ bưu chính Vpostcode của huyện Mù Cang Chải đã được gắn tọa độ tới 100% hộ dân trên địa bàn huyện.

Theo đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Năm 2023, được tỉnh chọn là năm “bứt phá trong chuyển đổi số”, đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, do vậy, tỉnh sẽ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục vụ chuyển đổi số; tập trung triển khai Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; sử dụng các nền tảng chuyển đổi số, ưu tiên các nhóm tiện ích nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai công tác chuyển đổi số gắn với đặc trưng riêng của Yên Bái - Chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình chuyển đổi số thành công để các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, nhân rộng. Phát huy vai trò, hiệu quả Tổ chuyển đổi số cộng đồng, các Câu lạc bộ chuyển đổi số tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình, các tổ chức cá nhân chủ động, tích cực nâng cao các kỹ năng ứng dụng công nghệ số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tham gia sử dụng các dịch vụ công nghệ số.

Yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu cài đặt, sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trở thành công chức số để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Tập trung xây dựng, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu số dùng chung của tỉnh, phục vụ công tác chuyển đổi số.

289 lượt xem