Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023, “Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái” đã khai trương nhằm mang đến cho người dân những trải nghiệm và tiện ích từ nền tảng Reavol đọc và nghe sách của người Việt trên địa bàn tỉnh. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh xung quanh vấn đề này.
Thư viện trường học được trang bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo nhu cầu đọc sách cho học sinh.
P.V: Xin đồng chí cho biết thực trạng văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 3 cơ quan báo chí địa phương; 10 cơ quan thường trú báo trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; 9 trung tâm truyền thông và văn hóa các huyện, thị xã, thành phố; 173 đài truyền thanh cơ sở; 25 bản tin; 1 Cổng Thông tin điện tử tỉnh với 44 trang thành viên và trên 70 trang thông tin điện tử; có 1 đơn vị chủ lực cung ứng cho thị trường sách là Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học, trên 50 cửa hàng phát hành xuất bản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái
Hệ thống thư viện được thiết lập từ tỉnh đến huyện với 9 thư viện huyện, thị xã, thành phố; 149 điểm bưu điện văn hóa xã; 180 tủ sách pháp luật tại các nhà văn hóa xã, phường, tổ, thôn, bản; 440 thư viện trường học (trong đó 174 trường mầm non xây dựng mô hình góc thư viện thân thiện giúp bé làm quen với sách; 52 thư viện trường tiểu học; 189 thư viện trường THCS; 25 thư viện trường THPT). Tỷ lệ thư viện đạt chuẩn chiếm 30% và một số trường tiểu học đã xây dựng được mô hình thư viện thân thiện, 25 thư viện trường THPT được trang bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo nhu cầu đọc sách cho học sinh.
Có thể nói, hệ thống phục vụ về văn hóa đọc rộng khắp đã đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân thông qua các hình thức khác nhau như: mua sách, báo; đọc sách, báo tại các thư viện, trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.
Xác định phát triển phong trào đọc sách chính là nâng cao dân trí, phát triển con người, cùng với tập trung chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, từ trước năm 2014, tỉnh đã quan tâm xây dựng và duy trì phong trào đọc sách ở địa phương. Song, do những khó khăn của một tỉnh miền núi, phong trào đọc sách chủ yếu được duy trì thông qua hoạt động trong hệ thống thư viện và các trường học.
Bên cạnh đó, ngành tư pháp triển khai xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật ở cơ sở xã phường, cơ quan, đơn vị; ngành văn hóa phát động xây dựng tủ sách ở các nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố.
P.V: Đồng chí có thể khái quát đôi nét về "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái”?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái" được xây dựng trên nền tảng đọc và nghe sách của người Việt (Reavol). Bên cạnh kho tàng tri thức của nhân loại trên nền tảng thì cũng có nhiều cuốn sách viết về Yên Bái có giá trị. "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái” được xây dựng từ ngày 22/4/2023 cung cấp cho người dùng trải nghiệm đọc và nghe sách tóm tắt tiện lợi, tiết kiệm chi phí không phải mua sách giấy, tiết kiệm thời gian so với việc đọc và nghe một cuốn sách thông thường mà vẫn nắm bắt được mọi thông tin cần thiết một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mô hình đã giúp phát triển văn hóa đọc, văn hóa đọc trên môi trường số với lượng sách phong phú, có thể đọc, nghe, xem video, tự do sáng tác với nhiều nội dung đa dạng và hấp dẫn. Nền tảng Reavol và "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái” giúp kết nối người dân từ mọi vùng miền của Tổ quốc biết đến văn hóa, lịch sử, các địa điểm du lịch, con người Yên Bái.
Các đại biểu bấm nút khai trương "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái" tại sự kiện khai mạc các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, ngày 25/4/2023
P.V: Tới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì để mang đến cho người dân những trải nghiệm và tiện ích từ nền tảng Reavol, "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái” thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Sau 2 tháng triển khai thí điểm phong trào đọc sách trên nền tảng Reavol và "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái” đã có 2.687 người tham gia là thành viên Kho sách, 256 cuốn sách đã được đưa vào kho sách, nhiều thành viên đã rất tích cực đọc sách, tìm hiểu kiến thức trên nền tảng, tiêu biểu 3 thành viên tích cực đã dành trên 500 giờ để đọc, nghe 207 cuốn sách. Như vậy có thể thấy, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng nền tảng đọc và nghe sách của người Việt đã tạo nên sự quan tâm và lôi cuốn độc giả Yên Bái.
Để mang đến cho người dân những trải nghiệm và tiện ích từ nền tảng Reavol, "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái”, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin để người dân biết về nền tảng này.
Qua đó, chủ động cài đặt, sử dụng giúp phát triển văn hóa đọc, văn hóa đọc trên môi trường số với kho sách phong phú, có thể đọc, nghe, xem video, tự do sáng tác với nhiều nội dung đa dạng và hấp dẫn… Tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng nền tảng Reavol và "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái” gắn với triển khai các nền tảng số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nền tảng cho 100% các trường THPT trên địa bàn tỉnh để các em học sinh được tiếp cận, trải nghiệm ứng dụng; tuyên truyền, vận động, khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tác, số hóa, cập nhật để làm giàu "Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái”.
287 lượt xem
1