Với các con số ấn tượng như: 284/284 chi bộ, trên 83% số đảng viên dùng ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử; triển khai 10 nền tảng ứng dụng dùng chung; 12/24 xã, thị trấn hoàn thành 17/17 chỉ tiêu chuyển đổi số (CĐS) cấp xã; 177/177 thôn, tổ nhân dân thành lập được các tổ CĐS cộng đồng, Yên Bình cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức thành công Ngày hội CĐS trên phạm vi toàn huyện...
Lãnh đạo huyện Yên Bình tham dự các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia.
Vì sự phát triển
Anh Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh bộc bạch: "Trước đây, vào thời điểm này, gia đình phải thuê từ 4 đến 5 lao động để chăm sóc vườn bưởi rộng chừng 6 ha. Nay, nhờ áp dụng công nghệ, tôi chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là vận hành được hệ thống tưới nước tự động”. Vườn bưởi của gia đình anh được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến mùa thu hoạch, những trái bưởi hái từ vườn đều được dán mã QR. Không chỉ riêng gia đình anh Định mà hiện nay, hầu hết các hộ trồng bưởi ở Đại Minh đều chủ động áp dụng công nghệ số từ việc chăm sóc, thu hoạch đến việc tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2021, bưởi Đại Minh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart. Nhiều hộ dân ở đây còn sử dụng Zalo, Facebook để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm bưởi Đại Minh đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua với số lượng lớn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để huyện tiến tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) thông minh.
Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo CĐS của huyện cho biết: "Phương châm xuyên suốt trong công tác chỉ đạo CĐS của huyện là việc dễ làm trước, làm ngay và dứt điểm; việc khó làm thí điểm, vừa làm vừa điều chỉnh. Ưu tiên lựa chọn việc khi CĐS có phạm vi ảnh hưởng, mang lại sự đổi thay trong toàn huyện”.
Năm 2022, huyện đã triển khai cuộc "tổng tấn công” CĐS, xây dựng lộ trình thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Cách làm xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và tôn trọng thực tiễn, tận dụng tối đa hạ tầng và các điều kiện sẵn có, lấy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, tự học, tự nghiên cứu ứng dụng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu là điều kiện, là yếu tố tiên quyết, quan trọng để lan tỏa trong nhân dân.
Huyện đã chỉ đạo thường xuyên duy trì thực hiện hiệu quả chuỗi các chương trình truyền thông "Mỗi tuần một nền tảng số” trên hệ thống truyền thanh từ huyện tới cơ sở. Đến nay, 24/24 xã, thị trấn cho ra mắt Trang thông tin điện tử và có hệ thống truyền hình họp trực tuyến liên thông 4 cấp, góp phần làm thay đổi tích cực nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia vào các hoạt động CĐS.
Minh chứng là tháng 3/2022, huyện đã đồng loạt khai trương 8 ứng dụng phần mềm, thành công của việc hoàn thiện và triển khai Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện thu hút hơn 16.000 lượt người tham gia ở thời điểm tháng 4/2022 là bước thử, là động lực quan trọng để Yên Bình quyết tâm CĐS mạnh mẽ trên diện rộng.
Từ lúc chỉ có 9 tổ chức đảng với 247 đảng viên thực hiện thí điểm nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử”, đến nay, tất cả 284/284 chi bộ với hơn 5.500 đảng viên, đạt trên 83% trong tổng số đảng viên tham gia. Yên Bình được đánh giá là địa phương có số lượng chi bộ và đảng viên sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử” cao nhất tỉnh.
Đặc biệt, việc triển khai thành công 10 nền tảng, ứng dụng dùng chung của tỉnh cũng như mạnh dạn thực hiện nhiều nền tảng tiện ích như: phòng họp không giấy, hệ thống họp trực tuyến; ứng dụng thành lập tổ CĐS cộng đồng; phần mềm đánh giá sản phẩm OCOP, lấy ý kiến người dân tham gia vào kết quả xây dựng NTM trên nền tảng ứng dụng công nghệ số; triển khai chương trình CĐS trong xây dựng NTM, từng bước hướng tới xây dựng NTM thông minh; đẩy mạnh CĐS trong các lĩnh vực huyện có lợi thế như nông nghiệp, dịch vụ và du lịch... đã tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác CĐS của huyện trên cả 3 trụ cột chính quyền số; kinh tế số và xã hội số.
Năm 2022, huyện lựa chọn 12 xã, thị trấn để thực hiện mô hình CĐS cấp xã; trong đó, có 3 xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đó là Xuân Long, Phúc Ninh, Mỹ Gia. Cách làm bài bản từ trên xuống, đồng thuận từ dưới lên, kết thúc năm 2022, tất cả 12 xã, thị trấn đều hoàn thành 17/17 tiêu chí CĐS cấp xã. 177/177 thôn, tổ nhân dân đều thành lập được tổ CĐS cộng đồng với gần 1.200 thành viên tham gia. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt thúc đẩy cuộc "tổng tấn công” CĐS của huyện đạt yêu cầu, mục đích đề ra.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm CĐS tỉnh Yên Bái: năm 2022, 1.689 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cài đặt, sử dụng nền tảng mua sắm trực tuyến, 1.325 hộ được đào tạo kỹ năng kinh doanh lên sàn, 699 hộ giao dịch trên sàn, giá trị giao dịch đạt 78,89 triệu đồng, xếp thứ 2/9 huyện, thị, thành phố. Có 32 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Lĩnh vực y tế, giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 15 đơn vị trường thực hiện mô hình CĐS; 86% số người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử được khởi tạo, khoảng cách địa lý cũng như trình độ chuyên môn giữa Trung tâm Y tế huyện với tuyến y tế cơ sở được rút ngắn thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến.
Với tinh thần phục vụ người dân đặt lên hàng đầu, giờ đây, các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 trên địa bàn huyện đều đạt kết quả tích cực, tiếp nhận, xử lý, giải quyết hồ sơ của 24 dịch vụ công thiết yếu với trên 31.200 hồ sơ, thu nhận trên 94.300 hồ sơ cấp căn cước công dân đạt 97,2% và trên 26.300 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử thông qua cấp căn cước công dân.
Quyết tâm bứt phá
Năm 2023 với quyết tâm "bứt phá trong CĐS”, huyện Yên Bình tiếp tục đề ra các mục tiêu cao hơn, đối với mỗi mục tiêu, mỗi nội dung CĐS đều gắn với lộ trình, giải pháp, trách nhiệm và thời gian hoàn thành.
Huyện tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động số 18, Kế hoạch số 81 của Ban Thường vụ Huyện ủy về CĐS giai đoạn 2022-2025. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu CĐS đặc trưng Yên Bái - CĐS giúp người dân hạnh phúc hơn trên hạ tầng số, các trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về hạ tầng số, phấn đấu 62% số hộ sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của huyện được dịch chuyển trên nền tảng điện toán đám mây. Về chính quyền số, 100% số thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Tối thiểu 72% số hồ sơ công việc tại cấp huyện và 48% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 50% số xã, thị trấn đạt chuẩn CĐS; trong đó, xã Đại Minh đạt chuẩn CĐS nâng cao.
Về kinh tế số, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP, doanh thu từ thương mại điện tử tăng trưởng từ 20% trở lên. Về xã hội số, phấn đấu 100% người dân được cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, 50% số công dân trong độ tuổi lao động là công dân số, 50% số nhà văn hóa cấp thôn được công nhận là nhà văn hóa số.
CĐS không thể không làm, tuy phía trước còn rất nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp chiến lược, đồng bộ, bài bản, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và đầy quyết tâm của người đứng đầu, Yên Bình sẽ tiếp tục tạo nên những bứt phá trong CĐS.
1546 lượt xem
1