Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái bứt phá chuyển đổi số

09/10/2023 10:47:13 Xem cỡ chữ Google
Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, từ việc khởi xướng rồi tăng tốc với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, chuyển đổi số trên địa bàn Yên Bái đang có sự bứt phá mạnh mẽ. Các nền tảng, công nghệ số cơ bản được ứng dụng ngày càng rộng rãi và dần trở thành “thói quen” đối với mỗi tổ chức và cá nhân. Hạ tầng, nhân lực và 3 trụ cột của chuyển đổi số đều có bước chuyển biến rõ nét. Thành quả của chuyển đổi số đã từng bước giúp người dân hài lòng và hạnh phúc hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và các đồng chí lãnh đạo thành phố Yên Bái dự Ngày hội chuyển đổi số tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Xác định hạ tầng viễn thông là nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng số được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số với 2 doanh nghiệp viễn thông chủ lực là Viettel Yên Bái và Viễn thông Yên Bái để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cung cấp giải pháp số. Trong đó, công tác khắc phục tình trạng lõm sóng và đưa hạ tầng Internet băng thông rộng đến các địa bàn vùng khó khăn theo phương châm "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó” được đặc biệt quan tâm. 

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường truyền băng rộng cáp quang; dịch vụ mạng di động 2G, 3G, 4G được phổ cập với 1.222 vị trí trạm phát sóng; phủ sóng 4G đạt 98,1% với 1.329/1.356 thôn, bản, tổ dân phố; 80% các hệ thống thông tin trọng yếu, hệ thống dùng chung của tỉnh kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng. 

Cùng với đó, Yên Bái là một trong những địa phương đầu tiên trong toàn quốc có dịch vụ mạng di động 5G tại 3 địa phương là: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Yên. Đây là bước tiến vượt bậc về hạ tầng mạng di động, tạo nền móng nhân rộng 5G ra các địa phương khác trong thời gian tới. 

Với hạ tầng sẵn sàng, với phạm vi rộng khắp, chuyển đổi số tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng cho các bước tiến tiếp theo.

Cán bộ ngành thuế hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng thanh toán nộp thuế điện tử thông qua ứng dụng Etax Mobile.

Chuyển đổi số trong công tác Đảng

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu khách quan diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong công tác Đảng, chuyển đổi số là vấn đề quan trọng và cần thiết. Chuyển đổi số thành công sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đảng hiện nay. 

Đề án số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái đã triển khai trên 44,5% chi bộ, với 1.217 chi bộ trực thuộc, 82 chi bộ cơ sở tại 6 tổ chức Đảng gồm: Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, các Đảng bộ: thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, huyện Yên Bình,  thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. 

Đến nay, đã có 91% đảng viên được tạo lập tài khoản; trên 34.300 đảng viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng nền tảng; trên 60,2% các cuộc sinh hoạt chi bộ được tổ chức trên nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái. 

Nhận thấy sự tiện ích mà ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái nên các đảng viên rất tích cực hưởng ứng. Đã có trên 22.500 lượt đọc bài và làm bài nghị quyết nền tảng; 101.120 lượt truy cập và trên 13.120 lượt đảng viên nghiên cứu văn kiện tư liệu trên nền tảng. 

Bà Đinh Hồng Hoan, tổ 2, phường Minh Tân chia sẻ: "Tôi thấy Sổ tay đảng viên điện tử rất tiện lợi, nhiều tác dụng. Đây là một kho dữ liệu về văn kiện, tài liệu về Đảng, đồng thời cũng giống như một tờ báo chuyên về xây dựng Đảng, cập nhật tin tức thường xuyên. Trước đây trong 1 buổi sinh hoạt chi bộ, có thể tôi chưa kịp nắm bắt hết các nội dung thì nay xem lại qua phần mềm thì rõ hơn, quên thì lại mở ra đọc lại". 

Kinh tế số giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu đặc sản địa phương

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, tỉnh Yên Bái đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025 trên cơ sở chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới. 

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình này, tỉnh đã tập trung triển khai thí điểm các mô hình phát triển kinh tế số như: mô hình chuyển đổi số phát triển du lịch tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Yên Bình; mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm chủ lực theo vùng, miền; chuyển đổi số nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng; sản phẩm từ quế huyện Văn Yên; bưởi Đại Minh huyện Yên Bình...

Điểm sáng là nô hình hợp tác xã chuyển đổi số tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, đã có hơn 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi từ 200 - 300 - 400 và 500 tuổi được gắn nhãn truy xuất nguồn gốc, giúp địa phương quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch, đưa sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng vươn tầm thế giới, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh toán bằng quét mã QR tại chợ Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.

Thực tiễn cho thấy, kinh tế số giờ không phải là câu chuyện chỉ có ở thành phố mà tại các khu chợ từ nông thôn đến thành thị trên địa bàn tỉnh hầu hết các gian hàng đều sử dụng thanh toán số. Tại các khu chợ 4.0, gian hàng 4.0 kinh doanh trực tuyến các sản phẩm đạt trên 50% doanh thu từ kinh doanh online; các khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn triển khai đồng bộ các dịch vụ số phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. 

Chị Trần Tâm Tư, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cho hay: "Tôi chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, quét mã QR code của cửa hàng hay các tiểu thương ở chợ là tôi có thể thanh toán số tiền cho những sản phẩm mình vừa mua. Thật nhanh chóng và tiện lợi”. 

Theo ước tính của Sở Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2023 đạt 12,2%, tăng 0,56% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,3%, tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến thúc đẩy xây dựng chính quyền số hiện đại; ứng dụng nền tảng số xây dựng phương thức làm việc mới; đẩy mạnh đảm bảo an ninh trật tự phục vụ chuyển đổi số; phát triển xã hội số cũng là những điểm nổi bật trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái thời gian qua. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường học trên địa bàn tỉnh tạo sự đổi thay, nâng cao chất lượng dạy và học.

"Chuyển đổi số để người dân hạnh phúc hơn”

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy: "Chuyển đổi số cần chú trọng thực chất, đi đến hiệu quả cuối cùng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, mục tiêu và lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện”.

Có thể thấy, với những kết quả nổi bật mà tỉnh Yên Bái đã đạt được sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, chuyển đổi số đã trở thành "phong trào” sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện trên các lĩnh vực và đạt được những bước tiến quan trọng, mang tính bền vững. 

Chỉ dấu quan trọng đánh giá cho thành công bước đầu của chuyển đổi số tỉnh Yên Bái trong nửa nhiệm kỳ qua đó là chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Yên Bái năm 2021 tăng 13 bậc so với năm 2020, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố; năm 2022 tăng 12 bậc so với năm 2021, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố, nằm trong 9 tỉnh dẫn đầu cả nước về nhận thức chuyển đổi số, 10 tỉnh dẫn đầu về nhân lực số. 

Đây là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, trên 1.350 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với hơn 10 nghìn thành viên tại 9 huyện, thị xã, thành phố, với sự đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số trên địa bàn tỉnh đang và sẽ tiếp tục "đến từng ngõ, gõ từng nhà" giúp mọi người dân đều có thể thành thục các nền tảng công nghệ số và vận dụng hiệu quả vào cuộc sống. 

Với nền tảng vững chắc đó, chuyển đổi số của tỉnh chắc chắn sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, để Yên Bái thành công với mô hình chuyển đổi số mang đặc trưng riêng "Chuyển đổi số để người dân hạnh phúc hơn”.

237 lượt xem