Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái chuyển biến trong chuyển đổi số ngành giáo dục

26/02/2024 10:40:18 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái đã có những kết quả tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học tận dụng tối đa công nghệ phục vụ trong công tác quản lý và giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Các thầy, cô giáo Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái đã ứng dụng CNTT giúp học sinh đễ tiếp thu bài giảng.

Được nhân viên Viettel Yên Bái hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nhóm ứng dụng CĐS, các cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã hiểu thêm về phần mềm quản lý và giảng dạy, chương trình bồi dưỡng thường xuyên, hệ thống dạy và học qua mạng, kho học liệu số… Các ứng dụng này giúp đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển và in ấn tài liệu. Đồng thời giúp các nhà trường lưu trữ mọi kiến thức, tài liệu trên không gian mạng, đảm bảo tính an toàn, bảo mật cao… góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, quản lý. 

Ứng dụng CNTT, các giáo viên có thể theo dõi năng lực của học sinh thông qua nhiều môn học khác nhau, cả trên phương diện cá nhân và tập thể. Từ đó, phát triển các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ học viên. Phân tích thống kê điểm số của học sinh qua các môn học khác nhau cũng giúp giáo viên định hướng tốt hơn và xây dựng lộ trình học tập phù hợp. 

Cô giáo Nguyễn Như Quỳnh, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc chia sẻ: "Giáo án điện tử giúp giáo viên chúng tôi tiết kiệm thời gian, tài chính, tạo điều kiện cho công tác giảng dạy trong nhà trường, giúp cô trò tương tác dễ dàng, để học sinh hiểu bài hơn”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc cho biết thêm: "Các cô giáo đã thiết lập sổ cá nhân không cần bảng giấy, có kí duyệt hàng ngày. Đối với sổ giáo án, chúng tôi sử dụng 2 hình thức là kí điện tử và ký dán ảnh. Tuy vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng nhà trường đã được Viettel Yên Bái hỗ trợ kịp thời”. 

Hiện cơ bản các trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện CĐS. Trung tá Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc Viettel Yên Bái cho biết: "Chúng tôi đã ký hợp tác toàn diện giai đoạn 2020 - 2025 với Sở GD&ĐT Yên Bái. Năm 2023, Viettel đã triển khai học bạ điện tử EDU, ứng dụng học trực tuyến, Viettel đã tài trợ toàn bộ cước Internet cho trên 300 cơ sở giáo dục với tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng”. 

Bên cạnh đó, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ở cấp tiểu học, môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3,4,5, Sở GD&ĐT tỉnh đã phối hợp với Mobifone tỉnh Yên Bái và Công ty Cổ phần Giáo dục EDUCA tổ chức Hội thảo dạy học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 cho cán bộ quản lý, giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học của tỉnh.

Qua Hội thảo, các giáo viên đã hiểu thêm về những điểm mới, quan trọng của Chương trình tiếng Anh tiểu học; đặc điểm học tập của học sinh tiểu học trong thế kỷ 21; dạy học và kiểm tra, đánh giá theo xu thế mới; giới thiệu giải pháp học tiếng Anh MobilEnglish… giúp các thầy, cô nắm vững các kỹ năng tiếng Anh theo Chương trình GDPT của Bộ GD&ĐT và định hướng theo chương trình mới liên quan đến dạy học và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh. 

 

Cán bộ quản lý, giáo viên Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải được tập huấn khai thác ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý hồ sơ.

Hiện ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đang triển khai hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành, hệ thống toàn trình quản lý học và thi trực tuyến K12 Online; mạng xã hội học tập trực tuyến; sổ liên lạc điện tử; phần mềm giáo án điện tử; phần mềm quản lý nhà trường và phần mềm quản lý học phí và nhiều ứng dụng khác. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực CĐS trong toàn ngành, rút dần khoảnh cách giữa các trường vùng thấp và vùng cao. 

Theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, việc khai thác cơ sở dữ liệu từ CĐS để phục vụ cho công tác quản lý điều hành từ cấp sở đến cấp phòng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí việc triển khai các nhiệm vụ trong các nhà trường; ứng dụng nền tảng dạy học, đặc biệt là nền tảng dạy học trực tuyến để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong triển khai chương trình GDPT 2018 cũng như thực hiện nhiệm vụ năm học. 

Qua đánh giá, đến nay 100% nhà trường đã triển khai bộ 10 chỉ tiêu CĐS, vượt tiến độ lộ trình ngành giáo dục tỉnh đề ra. Cụ thể: 100% học sinh có học bạ điện tử và sổ điểm điện tử; 100% lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý lớp học, trường học và các phần mềm quản lý khác; triển khai thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cán bộ quản lý được cấp và thực hiện ký số; 100% giáo viên, học sinh được khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học… 

Cùng với đó, 100% trường học đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS, tổ CĐS; câu lạc bộ CĐS có sự tham gia của học sinh để hỗ trợ, triển khai hiệu quả. Cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cơ bản về CĐS; kỹ năng ứng dụng CNTT cơ bản. 

Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, dạy học của tỉnh đã dần thay đổi theo xu hướng thông minh hơn, nhanh nhạy hơn và tiết kiệm chi phí. Phương pháp quản lý, giảng dạy và học tập đã chuyển từ truyền thống sang phương pháp quản lý, giảng dạy tích cực, giúp cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

114 lượt xem