Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Làm giàu từ nuôi bò bán công nghiệp

08/06/2017 23:42:00 Xem cỡ chữ
Những năm gần đây, chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp đã được người dân Việt Hồng áp dụng tích cực.

Đàn bò của gia đình bà Hoàng Thị Mão.

Là địa bàn miền núi, nên chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Tuy nhiên, do trước đây người dân chủ yếu chăn nuôi theo hình thức quảng canh, nên hiệu quả kinh tế thấp.  Được sự quan tâm của tỉnh và huyện, những năm gần đây, chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp đã được người dân Việt Hồng áp dụng tích cực. Việc chuyển đổi này đã mở ra hướng làm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc - cán bộ khuyến nông phụ trách xã cho biết: "Thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/hộ gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2016, trong xã có 8 mô hình là gia đình tham gia là: Nguyễn Đức Thuận, Hoàng Văn Sỹ, Hán Hữu Sơn, Hoàng Thị Thu, Nguyễn Thị Thức ở thôn Bản Phạ; Vũ Thị Nghĩa ở thôn Bản Chao và Hoàng Thị Mão ở thôn Bản Bến.

Qua Đề án, mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng mua con giống, làm chuồng và được học tập kỹ thuật chăm sóc. Qua triển khai, chúng tôi thấy, hiệu quả Đề án rất cao và 8 mô hình đều cho kết quả tốt".

Để tìm hiểu về hiệu quả của Đề án, chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình bà Hoàng Thị Mão, thôn Bản Bến. Đưa chúng tôi thăm khu chuồng được xây kiên cố, với nền láng xi măng, mái lợp Fiprô xi măng, có máng ăn, có hố thu phân, chủ nhà cho biết: "Cũng như nhiều gia đình trong xã, trước đây, gia đình tôi đã phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên, rừng đã giao khoán, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp nên việc chăn thả rất khó khăn do trâu, bò thường lên phá cây rừng của gia đình và hàng xóm dẫn đến số lượng đàn gia súc ngày càng thu hẹp".

Khó khăn của gia đình bà Mão tưởng không có lời giải thì đến năm 2016, bà Mão được hỗ trợ 15 triệu đồng từ Đề án. Với số tiền được hỗ trợ và tiền vốn của gia đình, bà Mão đã đầu tư gần 40 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 6 con bò nái trị giá trên 100 triệu đồng; đồng thời, cải tạo trên 1.000 m2  vườn tạp để trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò.

Do được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và lại dày công chăm sóc nên đàn bò của gia đình bà Mão sinh trưởng, phát triển tốt. Chỉ sau một năm, đàn bò đã tăng gấp đôi. Vừa qua, bà Mão bán cặp bò được 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn một nửa. Từ số vốn đầu tư ban đầu, với số bò hiện có, hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò bán công nghiệp đã rõ ràng.

Vừa cho bò ăn cỏ, rơm khô, bà Mão cho biết thêm: "Chăn nuôi theo hình thức này vừa không tốn công sức mà hiệu quả cao và trâu, bò không phải lo lắng về giá cả hay thị trường tiêu thụ như nuôi lợn. Phân bò ủ hoai bón cho cỏ voi và với diện tích này, bò đủ ăn mà không phải chăn thả. Nếu tăng đàn thì ngày mùa mua thêm rơm phơi khô để làm thức ăn dự trữ, nên mình tôi cũng thừa sức chăn đàn bò trên 10 con".

Qua câu chuyện được biết, với đất đai và lao động hiện có, bà Mão đang có ý định mở rộng thêm chuồng trại để tăng số lượng đàn bò. Tuy nhiên, cái khó của gia đình vẫn là vốn. Bởi vì, để mở rộng quy mô chăn nuôi, cần phải thêm số vốn khoảng 100 triệu đồng.

Về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Minh Ngọc - cán bộ khuyến nông phụ trách xã cho biết thêm: không chỉ riêng gia đình bà Mão, mà vấn đề vay vốn ưu đãi để làm ăn quy mô lớn luôn là vấn đề băn khoăn của các hộ dân. Với tiềm năng, lợi thế ở đây, nếu giải quyết được vấn đề vốn, chắc chắn chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp ở Việt Hồng sẽ phát triển và có thêm nhiều hộ làm giàu được từ cách làm này.

 

Theo Báo Yên Bái