CTTĐT - Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trên cả nước. Năm 2012, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án “Ngân hàng bò” tại các huyện nghèo của tỉnh Yên Bái. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng triển khai thực hiện dự án “Ngân hàng Bò” hỗ trợ 100 con bò cho các gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi bò tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với tổng kinh phí thực hiện dự án là 840 triệu đồng.
Cổng thông tin điện tử tỉnh - Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trên cả nước. Năm 2012, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án “Ngân hàng bò” tại các huyện nghèo của tỉnh Yên Bái. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng triển khai thực hiện dự án “Ngân hàng Bò” hỗ trợ 100 con bò cho các gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi bò tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với tổng kinh phí thực hiện dự án là 840 triệu đồng.
“Ngân hàng bò” là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì và phát triển “ngân hàng sống” này. Ở mô hình “Ngân hàng bò”, mỗi hộ gia đình nghèo được trao tặng 1 con bò giống trị giá 7 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 12 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Và cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo khác trong địa phương được trợ giúp.
Ngay khi đề án được triển khai tại huyện Trạm Tấu, Hội chữ thập đỏ huyện đã thành lập Ban quản lý dự án cấp huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban và xây dựng kế hoạch thực hiện dự án. Ban quản lý dự án đã thống nhất với UBND huyện quyết định lựa chọn 5 xã, thị trấn được hưởng lợi từ chương trình là các xã Pá Lau, Pá Hu, Trạm Tấu, Xà Hồ và thị trấn Trạm Tấu. Trong đó mỗi xã có 20 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lợi từ chương trình.
Ông Lại Quyết Chiến - Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Trạm Tấu cho biết: “Sau khi giao bò cho các hộ nghèo, Ban quản lý dự án phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm thú y của huyện đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc con giống; kỹ thuật làm chuồng trại; những bệnh thường gặp để người dân sớm phát hiện và kịp thời báo cáo; Giải đáp những thắc mắc của người hưởng lợi về chương trình của dự án. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc các hộ gia đình làm chuồng trại, cách vệ sinh chuồng trại, trồng cỏ và tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống”.
Với người dân nơi vùng sâu, vùng xa, một trong những nguyên nhân khiến họ “rơi” vào cảnh nghèo là do thiếu phương tiện sản xuất. Giá con trâu, con bò bây giờ quá cao, chí ít cũng phải hơn chục triệu đồng. Trong khi đó tổng thu nhập của cả gia đình hàng tháng khó vượt qua nổi mức 2-3 triệu đồng. Trong khi tất cả mọi nhu cầu ăn, mặc, học hành, chữa bệnh… đều trông vào chỗ đó thì việc mua trâu bò giống làm sức kéo là điều quá khó. Vì thế nghèo vẫn cứ mãi nghèo. Nay, với việc đã có trâu, bò giống, một tư liệu sản xuất quan trọng thì cơ hội thoát nghèo của nhiều hộ gia đình đang hiện hữu.
Gia đình bà Mè Thị Xoong, người dân tộc Thái, cư trú tại tổ dân phố số 5, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu là gia đình thuộc diện hộ nghèo của huyện. Gia đình có 5 nhân khẩu với 2 lao động chính, gia đình sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trước khi triển khai chương trình dự án “Ngân hàng bò”, gia đình bà Xoong cũng như các hộ khác trong huyện đều không tin tưởng và nghĩ rằng dự án không khả thi do số lượng con giống nhiều (100 con), số tiền của một con giống quá thấp (7 triệu/ 01 con) so với giá cả thị trường. Sau khi được cán bộ Hội cùng phối hợp với chính quyền thị trấn tích cực tuyên truyền và giải thích gia đình bà Xoong cũng như các hộ được hưởng lợi từ dự án đã hiểu ra mục đích và yêu cầu của chương trình. Bà Xoong cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong thị trấn, kinh tế chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, muốn mua con trâu, con bò về nuôi, để phát triển kinh tế gia đình cũng khó vì tiền bỏ ra để đầu tư mua con giống quá lớn so với điều kiện kinh tế gia đình. Năm 2012, qua bình xét, gia đình tôi được Hội Chữ thập đỏ giao cho 1 con bò giống, trong dự án “Ngân hàng bò” về nuôi, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Khi con giống được giao trực tiếp cho gia đình, tôi cảm thấy rất yên tâm và thấy rằng con giống có thể phù hợp với thời tiết và khí hậu của địa phương. Vì vậy gia đình tôi cảm thấy rất yên tâm và phấn khởi, tích cực chăm sóc bò giống để bò nhanh chóng đẻ để nhân rộng mô hình chăn nuôi của gia đình và tăng thu nhập”.
Tự ý thức được việc chăm sóc và bảo vệ con giống ban đầu do Dự án cung cấp chính là bảo vệ tài sản của chính mình nên người dân rất quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ con giống. Mới được triển khai từ giữa năm 2012 nên dự án chưa có kết quả gì đặc biệt. Nhưng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, niềm tin của người dân vùng cao Trạm Tấu, hy vọng trong thời gian tới khi bò bắt đầu sinh sản, dự án sẽ tiếp tục mang tư liệu sản xuất và nhân lên niềm vui thoát nghèo cho những người có hoàn cảnh khó khăn nơi đây, thực hiện mục tiêu cao đẹp “Chung sức vì nhân đạo” như khẩu hiệu hành động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.