Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thôn Lan Đình xóa nghèo nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm

22/08/2023 14:24:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Trước đây, thôn Lan Đình (xã Việt Thành, huyện Trấn Yên) còn có tên gọi là “làng chuối xanh” bởi vùng đất ven sông của thôn người dân chủ yếu trồng chuối, thu hoạch xanh bán cho thương lái. Cuộc sống gắn liền với sản xuất nông nghiệp cùng cây lúa, ngô và các loại rau màu nên thu nhập bấp bênh.

Hiện nay, nghề dâu tằm đã giúp thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 56 triệu đồng/năm

Mô hình thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm được giao cho Phòng NN -PTNT huyện Trấn Yên triển khai thực hiện. Qua đó, đã lựa chọn 4 người gồm trưởng thôn, hội viên nông dân, phụ nữ thực hiện trồng dâu trên diện tích khoảng hơn 1 mẫu tại cánh đồng thôn Lan Đình (xã Việt Thành). Tiếp đó, huyện đã tổ chức nhiều chuyến đưa các hộ dân đi tham quan, học tập tại các làng nghề trồng dâu nuôi tằm hiệu quả như huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình)…

Sau khi thử nghiệm cho thấy cây dâu, con tằm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, huyện Trấn Yên đã quyết định nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích. Ban đầu huyện lựa chọn các xã Việt Thành, Báo Đáp, Y Can để mở rộng diện tích trồng dâu với phương châm “đi trước đón đầu”, tạo ra vùng nguyên liệu, hình thành nghề mới để nâng cao thu nhập cho đại bộ phận người dân trên vùng đất còn nghèo khó.

Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo tại thôn Lan Đình chiếm hơn 40%, cả làng thi thoảng mới thấy thấp thoáng một vài ngôi nhà xây cấp 4 kiểu cũ. người dân trong thôn rất khó khăn, cuộc sống vất vả chỉ trông vào cây lúa, cây chuối và một số loại cây màu nên năm được năm mất, nhiều lao động trong thôn không có việc làm phải đi làm thuê khắp nơi để trang trải sinh hoạt. Lan Đình cũng chính là thôn đầu tiên ở huyện Trấn Yên cây dâu tằm bén rễ.

Năm 2001, khi cây dâu, con tằm xuất hiện, bà con trong thôn còn hoài nghi, thậm chí còn chẳng biết trồng dâu nuôi tằm để làm gì, vì sản phẩm kén tằm thì không làm thực phẩm để ăn được, kén tằm cũng không thể bán ở các chợ trong khu vực được, vậy câu hỏi được đặt ra của người dân là khi có sản phẩm kén thì sẽ bán cho ai và bán ở đâu, giá trị có cao không...

Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, với sự kiên trì, chịu thương, chịu khó của nông dân, trải qua hơn 20 năm, đến nay, thôn Lan Đình đã trở thành làng nghề trồng dâu nuôi tằm với gần 90% hộ dân gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm này. Cả thôn hiện có 92ha dâu, mỗi hộ dân có từ một vài mẫu đất trồng dâu nuôi tằm, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 56 triệu đồng/năm, trong thôn không còn hộ nghèo, người dân đang được hưởng những thành quả là sự ấm no trong mỗi gia đình, làng quê khang trang, đổi mới./.

Ban Biên tập