Từ Nghĩa Lộ dẫn vào Trạm Tấu, con đường độc đạo ngoằn ngoèo đi giữa một bên là điệp trùng mây núi, một bên thăm thẳm dòng suối Nậm Tung rì rầm tung bọt trắng xóa. Thấp thoáng khói bếp lam chiều bay trên ngôi nhà ngói mới từ bản Thái, bản Mông yên bình bên những thửa ruộng bậc thang lúa xanh mơn mởn.
Giàng A Dư, Bản Mù thấp, kể: “Trước đây, bản mình đói, bản bạn cũng chẳng được no, cặm cụi trên nương, trên rẫy cả năm mà cây lúa, cây ngô vẫn không chịu đẻ ra nhiều hạt. Cái bụng đói, cái đầu chả nghĩ được gì. Lại vào rừng đốt nương làm rẫy, trồng cây thuốc phiện… trẻ con không được học. Từ khi cán bộ về bản, dân bản đã biết trồng lúa, trồng ngô, nuôi trâu, nuôi bò theo lối mới…”
Hồi đầu cán bộ về bản dạy dân làm lúa xuân, làm ngô lai, Giàng A Lồng (cán bộ xã Pá Hu) cũng như dân bản Cang Dông, Pá Hu, thấy “vụ lạ, giống lạ” nên không chịu theo. Vì “mùa đông lạnh thế, cái cây to trên rừng, cây cỏ dưới đất còn chết vì rét, thì làm sao hạt thóc trên nương nó dám mọc mầm”.
“Vả lại, làm vụ lúa Xuân đúng lúc người Mông ăn tết. Mà tết của người Mông thì phải say. Kéo tay nhau say từ nhà này sang tới nhà kia, từ bản mình sang bản bạn. Sáng 3 nhà, chiều 3 nhà, một ngày ăn 6 nhà. Vì em đã ăn ở nhà anh, mà anh không ăn nhà em là không được. Cứ thế, bao năm người Mông ăn tết, chơi tết kéo dài nửa tháng. Giữa lúc cái miệng đang được ăn ngon, cái môi đang mềm vì rượu, cái đầu đang lâng lâng theo tiếng khèn, tiếng sáo quyện trong mây núi, trai gái hớn hở tìm nhau… mà bảo đi trồng lúa lạ, ai mà muốn làm”, A Lồng nói.
Phải qua 3, 4 cái tết, tận mắt nhìn thấy cánh đồng mẫu cán bộ làm, thấy cách ủ giống, làm đất, gieo mạ, bón phân… thấy cây lúa Xuân biết đẻ nhiều hạt, bông lúa vít cong cả thân, gùi nặng trên lưng, dân bản mới ưng cái bụng, chịu làm theo.
Nếu như năm đầu (2009) cả bản Cang Dông chỉ có 2 hộ theo trồng lúa Xuân thì năm sau có thêm nhiều hộ. Một năm 2 vụ chiêm, mùa, khi cấy, khi gặt, khi chăm sóc đều có cán bộ huyện, xã hướng dẫn… Đến giờ giống lạ đã thành giống quen, cả bản, cả huyện biết làm theo lối mới. Thu được nhiều thóc, nhiều ngô, dân bản không lo đói, tính chuyện thoát nghèo.
Không chỉ hướng dẫn đồng bào trồng lúa, trồng ngô năng suất cao. Cán bộ "cắm bản" còn vào từng hộ hướng dẫn đồng bào tận dụng thế mạnh đồng cỏ, phát triển đàn trâu bò để thoát nghèo. Tính vậy, nhưng dân bản nghèo lấy đâu ra tiền mua bò, mua trâu.
Muốn vay tiền dân bản phải vượt núi, vượt đèo xuống tận thị trấn, lại phải có "cái tài sản" thế chấp, thủ tục thì nhiều, lãi suất lại cao… vay được đồng vốn thật không dễ. Thực hiện chủ trương của Chính phủ gỡ khó về vốn cho đồng bào, các tổ tiết kiệm-vay vốn kết hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội cơ sở mang vốn ưu đãi của Chính phủ về tận từng thôn bản. Hộ nào muốn vay sẽ được cán bộ đến tận nhà giúp làm thủ tục, rồi chỉ việc đến điểm giao dịch ngay tại trụ sở xã nhận tiền. Đến kỳ trả nợ, cán bộ tiết kiệm vay vốn lại đến từng nhà thu lãi, thu gốc.
Chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, Giàng Sành Dao, ở Bản Mù thấp, nhẩm tính: Một con “trâu trẻ” vừa nhú sừng vào khoảng 20-25 triệu, còn trâu to phải từ 40-50 triệu. Ở Mù cao có nhà vừa bán được 1 con trâu đực tới 51 triệu đồng đấy. Nếu mua 1 con trâu trẻ, nuôi nó khoảng 1-2 năm, thế nào cũng bán được 35-40 triệu. Nên trồng lúa, trồng ngô chỉ no được cái bụng, thoát cái đói, còn muốn thoát nghèo phải nuôi nhiều trâu, nhiều bò.
Vì vậy, Sành Giao đã 3 lần vay vốn ưu đãi phát triển đàn trâu bò của nhà mình. Lần đầu vay 5 triệu mua 1 con bò, tiếp đó vay 15 triệu mua trâu; năm ngoái vay thêm 20 triệu mua con trâu nữa... Bây giờ nhà Sành Giao có 9 con trâu, bò to. Chỉ cần mỗi năm cả đàn đẻ được vài ba con là đủ tiền trả nợ, lại dư dả tiền tiêu.
Ông Đỗ Chí Công, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Trạm Tấu, chia sẻ: Theo tập quán, đồng bào thường thả rông trâu bò trên núi cao, không làm chuồng trại, không biết cách phòng chống dịch bệnh, tích thức ăn dự trữ cho trâu bò mùa đông giá rét... Vì vậy, những năm rét đậm rét đậm rét hại, trâu bò chết nhiều, thiệt hại rất lớn.
Trước tình hình đó, cán bộ "cắm bản" lại đến từng hộ giảng giải cho đồng bào hiểu: Con trâu là đầu cơ nghiệp, để trâu chết là mất nghiệp, mất tiền. Với nguồn hỗ trợ của trên, cán bộ xã, huyện còn đến từng nhà tiêm thuốc phòng bệnh, dạy dân từ cách làm chuồng cho chúng ở, hướng dẫn đồng bào cách trồng cỏ voi, trữ rơm khô làm thức ăn cho gia súc. Mỗi lần rét đậm, rét hại, cán bộ lại xuống bản cùng đồng bào "gọi" con trâu từ rừng về chuồng, che bạt, đốt lửa sưởi ấm, nấu cám cho chúng ăn. Nhờ thế, mấy năm nay, cả Trạm Tấu không còn trâu bò chết rét.
Trò chuyện cùng phóng viên, Giàng A Dư, xã Bản Mù, không giấu diếm dự tính thoát nghèo của mình: “Vụ này mình thu được 3 tấn lúa, hơn 2 tấn ngô… Lúa thì để dành, còn ngô bẻ xong, tẽ hạt bán ngay cho người dưới xuôi lên. Tiền ngô bán được hơn 10 triệu cộng với tiền tiết kiệm từ trước và tiền vay vốn ưu đãi của NHCSXH (30 triệu), mình mua 2 con “trâu trẻ”. Cộng với 4 con bò từ trước, bây giờ mình có 6 con cả trâu lẫn bò”.
A Dư cho biết, thấy một vài nhà làm được, nhiều hộ khác trong bản đua nhau học theo mô hình tiết kiệm, vay vốn ưu đãi nuôi trâu bò vì "nuôi trâu nó đẻ ra lãi". Tính riêng bản Cang Dông có 78 hộ, đã vay gần 800 triệu đồng để nuôi trâu, bò. Còn theo Bí thư xã Bản Mù Giàng A Phông, toàn xã đã có 912 con trâu, 749 con bò (tăng 147 con so với năm trước), 2.798 con lợn, 569 con dê.
Sùng A Lù, Chủ tịch xã Bản Mù, tâm sự: “Cái bụng no, cái đầu cũng tiến bộ, trước đây dân bản đau ốm qua loa thì cứ để tự khỏi. Không khỏi được thì mời thầy cúng ma, đường cùng mới chịu xuống trạm xá. Bây giờ đau bụng, đau đầu dân bản đã biết mua thuốc uống, ốm đau đã biết xuống trạm xá chữa bệnh. Mấy năm trước trong bản có người chết, huyện còn phải hỗ trợ quan tài để chôn, thì nay dân bản đã biết làm đám ma theo nếp sống mới, huyện không phải hỗ trợ nữa. Đặc biệt, hưởng ứng vận động của huyện, dân bản còn góp tiền, góp gạo xây dựng kho thóc khuyến học tiếp sức cho trẻ vượt núi đến trường…"
Từ năm 2009, điện lưới quốc gia đã về tới trung tâm xã, nhiều gia đình đã có điện thắp sáng và còn mua được nhiều đồ điện, điện tử nhờ có đồng ra đồng vào. Giờ đây 60% hộ dân trong xã đã có ti vi, hơn 90% số hộ đã có xe máy. Bên cạnh đó, bà con cũng biết mua nguyên liệu mới về làm nhà kiên cố, biết dùng nước hợp vệ sinh, để cuộc sống ngày càng văn minh.
“So với xã hội thì đời sống người dân Bản Mù hiện chưa thấm vào đâu, nhưng chỉ 5 năm trước đây thôi thì có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Nếu cán bộ không về giúp bản, đồng bào không được như ngày hôm nay. Cán bộ là anh em của dân bản rồi”, A Lù nói.
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lại câu chuyện của cô Ngọc, một tiểu thương ở thị trấn Trạm Tấu: Quê cô ở dưới xuôi, trước đây được cử lên Trạm Tấu làm cán bộ lương thực. Năm 1994 cô nghỉ chế độ mở cửa hàng bán gạo. Mỗi tháng nhập hơn 10 tấn từ xuôi lên, chất kín lên tận nóc nhà, đều bán hết veo. Nhưng mấy năm nay đồng bào biết làm 2 vụ, đủ thóc để ăn, gạo nhập về không bán được nữa. “Cán bộ ba cùng giúp đồng bào tiến bộ, làm mình mất nghiệp buôn bán lương thực mất rồi”, cô Ngọc cười vui.