Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hướng tới một chương trình giảm nghèo bền vững

25/09/2013 10:20:13 Xem cỡ chữ

Mục tiêu tổng quát của Chương trình Giám nghèo giai đoạn 2011-2020 là nhằm giảm nghèo bền vững, thể hiện mọi mặt ở công tác giảm nghèo, bảo đảm về ăn mặc, ở, chữa bệnh, học hành và cơ sở hạ tầng.

Năm 2010, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình 135 giai đoạn II, Quyết định 134… đều sẽ kết thúc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo về xây dựng một Chương trình giảm nghèo chung, giai đoạn 2011-2020. Theo đó, gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời tập trung nguồn lực và giải pháp hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn nhất, mà trọng tâm là các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008.

Bên lề Hội thảo định hướng Xây dựng Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2020, ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động TBXH- cơ quan thường trực Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, trả lời phỏng vấn báo chí:

** Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, Bộ Lao động TBXH xây dựng chuẩn nghèo phù hợp với giai đoạn sắp tới như thế nào?

Ông Ngô Trường Thi: Bộ Lao động- TBXH đang hoàn tất chuẩn nghèo, gửi Bộ Tư pháp để thẩm định, cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ trình Chính Phủ ban hành. Mức chuẩn được tính toán căn cứ theo nhu cầu chi tiêu thiết yếu của con người, và phù hợp với phương pháp Quốc tế đang áp dụng, dựa trên điều kiện của đất nước.

** Ông đánh giá thế nào về giải pháp và hiệu quả của chương trình giảm nghèo giai đoạn trước?

Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục BTXH, Bộ Lao động TBXH

Ông Ngô Trường Thi: Giai đoạn trước, chương trình giảm nghèo hướng tới 3 nhóm giải pháp: nhóm hỗ trợ điều kiện sản xuất, nhóm hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, và nâng cao năng lực giảm nghèo.

Trong giai đoạn vừa qua, người nghèo đã tiếp cận tốt hơn về y tế, giáo dục. Năm qua Việt Nam cũng rơi vào guồng quay của khủng hoảng kinh tế, nhưng đời sống người dân ít bị xáo trộn, trong đó có người nghèo. Điều đó là minh chứng tốt cho hiệu quả của chương trình giảm nghèo. Chương trình đã xây dựng được mô hình sinh kế, người nghèo đã biến sự hỗ trợ của Nhà nước thành điều kiện thuận lợi của mình để tạo ra việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây là hướng chủ đạo mà chương trình giai đoạn tới cũng nhắm tới.

** Thưa ông, theo đánh giá của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, các chương trình giảm nghèo giai đoạn trước có nhiều chính sách chồng chéo, dẫn đến việc bất cập trong đầu tư, quản lý, điều hành và giám sát… Vậy chương trình giảm nghèo giai đoạn tới sẽ khắc phục điều này như thế nào?

Ông Ngô Trường Thi: Chương trình Giảm nghèo giai đoạn tới được xây dựng cho 10 năm (2011-2020), thực hiện phân đoạn trước mắt từ 2011-2015.

Chương trình khung về giảm nghèo xây dựng theo hướng giảm nghèo bền vững, trong đó xác định chính sách sàn và chính sách đặc thù. Nguyên tắc thiết kế là người nghèo ở đâu cũng được hưởng chính sách giảm nghèo chung- chính sách sàn. Chính phủ khuyến khích các địa phương có điều kiện nâng mức chuẩn nghèo để đời sống của người nghèo được cải thiện hơn; Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên cho các địa phương khó khăn hơn. Chương trình này tách bạch các nhóm đối tượng: nhóm đối tượng được tạo sinh kế, thực hiện theo giải pháp giảm nghèo; nhóm đối tượng “nghèo kinh niên” được thực hiện bảo trợ xã hội. Việc phân nhóm đối tượng như vậy để đảm bảo tính minh bạch cho tổ chức thực hiện.

** Có ý kiến cho rằng, sắp tới Chính phủ sẽ đưa ra Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, vậy có cần thiết phải một chương trình giảm nghèo riêng biệt hay không? Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Ngô Trường Thi: Tôi xin nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Việt Nam hiện đã thoát khỏi vị trí nước nghèo, nhưng chưa là phát triển bền vững, nên vấn đề giảm nghèo vẫn đặt trong Chương trình Hành động của Chính phủ trong 10 năm tới, do đó chương trình giảm nghèo vẫn cần phải tiếp tục.

** Xin cảm ơn ông!/.

 

(Theo VOV)