Từ các tiểu dự án sinh kế
Năm 2012, gia đình anh Hoàng Văn Tỵ ở thôn Bản Khem, xã Thạch Lương là một trong số 10 hộ nghèo của thôn được thực hiện tiểu dự án chăn nuôi lợn thịt siêu nạc do Dự án WB huyện triển khai thực hiện. Tổng mức hỗ trợ gần 44 triệu đồng, trong đó tiền hỗ trợ 20 con lợn giống và tiền thức ăn trong giai đoạn đầu trên 41 triệu đồng, còn lại là các chi phí hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Qua hơn 10 tháng chăn nuôi, đến nay, các gia đình trong nhóm đã tái đàn lần ba với số tiền lãi ròng 3 - 4 triệu đồng phục vụ tái sản xuất.
Anh Hoàng Văn Tỵ - Trưởng nhóm chăn nuôi chia sẻ: "Chăn nuôi lợn thịt siêu nạc rất phù hợp với địa phương vì bà con có truyền thống chăn nuôi lợn. Thực hiện tiểu dự án này, ngoài được hỗ trợ con giống chất lượng thì cái được lớn nhất của bà con là quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, các hộ gia đình trong nhóm và một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn nhân rộng mô hình để chăn nuôi hiệu quả hơn".
Thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2012 đến nay, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện đã tích cực triển khai các dự án sinh kế, hỗ trợ người nghèo ở 8/31 xã của huyện. Thông qua các tiểu dự án hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê, vịt, gà, lợn nái sinh sản, lợn siêu nạc... đã có hàng trăm hộ nghèo được tiếp cận cây, con giống tốt và phương thức sản xuất mới hiệu quả hơn.
Chỉ tính riêng từ cuối năm 2012 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ cho các tiểu dự án sinh kế tại huyện đạt trên 5,2 tỷ đồng. Tuy thời gian triển khai chưa đầy một năm nhưng với việc theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, chăn nuôi của các nhóm hộ có thể thấy, việc xây dựng các mô hình sản xuất nhỏ bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống. Đây cũng là các mô hình thí điểm để cộng đồng dân cư trong khu vực học tập, rút kinh nghiệm, chung tay phát triển kinh tế.
Đến các nguồn vốn vay ưu đãi
Khác với các tiểu dự án hỗ trợ sinh kế, chương trình vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã được triển khai đồng bộ tại tất cả các xã, thị trấn. Hơn 10 năm hoạt động, đến nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đạt 232 tỷ đồng, riêng chương trình vốn vay cho hộ nghèo 9 tháng của năm 2013 là 30 tỷ đồng. Tổ chức vay vốn trực tiếp và vay vốn ủy thác thông qua tổ chức hội và đoàn thể đã giúp hầu hết các hộ nghèo đều có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Việc vay vốn của các hộ nghèo đều được thẩm định kỹ, đảm bảo đúng đối tượng và nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, những năm qua, đã có hàng trăm hộ gia đình xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và vươn lên khá, giàu.
Ông Trần Quang Sơn - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho biết: "Với tỷ lệ hộ nghèo khá cao, hàng năm, nhu cầu vốn vay ưu đãi của các hộ nghèo trên địa bàn huyện đều tăng. Những năm qua, đơn vị đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín bằng việc giảm dần nợ xấu và quản lý, giám sát hiệu quả vốn vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ ban đại diện, cộng đồng người nghèo chung tay đóng góp vốn giúp đỡ hộ nghèo. Chúng tôi đang cố gắng để các hộ nghèo có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi nhất đồng thời quản lý, thu hồi vốn đúng kỳ hạn, hạn chế thấp nhất nợ xấu, nợ quá hạn".
Đa dạng hình thức hỗ trợ giảm nghèo
Với điều kiện của một huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, đời sống kinh tế, xã hội của Văn Chấn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao. Nhận thức rõ những khó khăn và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, huyện đã triển khai đầy đủ các chương trình hỗ trợ hộ nghèo của Đảng, Nhà nước đồng thời huy động cộng đồng giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế. Quá trình triển khai các dự án được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thiết yếu của các hộ nghèo, vừa giúp người dân có nguồn vốn, cây, con giống, tư liệu sản xuất vừa giúp các hộ nghèo được tiếp cận khoa học kỹ thuật và áp dụng vào thực tiễn.
Cùng với các chương trình hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và cho vay ưu đãi, trong 9 tháng của năm nay, đã có trên 4.000 hộ nghèo được hỗ trợ trên 260 tấn gạo cứu đói; trên 1.900 hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiền điện thắp sáng. Các phong trào hỗ trợ người nghèo, giúp nhau xóa nhà dột nát, xây dựng nhà 167… đã giúp hàng nghìn hộ nghèo có những căn nhà ấm áp và hàng trăm hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ được hỗ trợ ổn định cuộc sống.
Ông Hà Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cho biết: "Những năm qua, phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đóng góp hỗ trợ người nghèo đã được cán bộ và nhân dân huyện nhiệt tình hưởng ứng. Chúng tôi đã tập trung hỗ trợ cho các hộ nghèo một số mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, chăn nuôi lợn nái sinh sản và một số mô hình khác. Ngoài ra, huyện sẽ sử dụng nguồn quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lốc và hỗ trợ làm nhà cho các gia đình chính sách diện khó khăn, các hộ gia đình làm nhà theo chương trình 167".
Xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc hỗ trợ giảm nghèo bền vững đòi hỏi mỗi địa phương phải có những chính sách đặc thù riêng. Hạ tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm xuống 4,5% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các hộ nghèo thì sự chung tay, sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng chính là yếu tố quan trọng giúp các hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giàu.