Theo báo cáo, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2010 (áp dụng chuẩn nghèo cũ): Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 18,1% (năm 2006); 14,75% (năm 2007); 12,1% (năm 2008); 11,3% (năm 2009) và 9,45% (năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo giảm xuống còn 37%.
Đối với giai đoạn 2010- 2013 (áp dụng chuẩn nghèo mới): Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011) và 9,6% (năm 2012), năm 2013 còn khoảng 7,6%-7,8%.
Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo: Đối với chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động nghèo: Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có cơ chế, chính sách ưu tiên cho các đối tượng là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian tham gia khóa học.
Trong 03 năm 2010-2012 đã dạy nghề cho 125.373 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo (chiếm 11,5% tổng số) và 57.644 lao động nông thôn thuộc hộ cận nghèo (chiếm 5,3% tổng số). Có 55.288 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo có việc làm sau khi học nghề, tăng thu nhập, góp phần đưa các gia đình thoát nghèo (chiếm 41,1% lao động nông thôn thuộc hộ nghèo tham gia học nghề)
Đối với chính sách tạo việc làm: Đã đề xuất chính sách cho vay vốn ưu đãi từ quỹ việc làm Quốc gia, vay vốn hộ nghèo nhằm hỗ trợ người lao động nói chung, người nghèo có điều kiện tự tạo việc làm tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Kết quả giải quyết việc làm cả nước giai đoạn 2006-2010 tạo việc làm cho 8.065 nghìn lao động (đạt 100,5% kế hoạch). Riêng giai đoạn 2011 – 2012, do ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế, 02 năm đã tạo việc làm cho 3.058 nghìn lao động (đạt 38,2% kế hoạch giai đoạn 2011-2015). Bên cạnh đó, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 1,81 triệu lao động (giai đoạn 2006 -2012).
Chính sách Xuất khẩu lao động: Thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/0/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, đến 31/12/2012 đã ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp thực hiện tuyển chọn, đào tạo cho 9.518 lao động huyện nghèo đi làm việc tại thị trường Malaysia, Lybia, UAE, Đài Loan, …, trong đó lao động không nghề chiếm trên 90%; tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho 2.477 người lao động của các huyện nghèo để tham gia chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc; phối hợp với IM Nhật Bản tổ chức đào tạo 134 lao động theo chương trình tu nghiệp của IM Nhật Bản. Đến nay, có gần 200 lao động huyện nghèo được chọn đi làm việc tại Hàn Quốc, 93 lao động sang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình này.
Nhìn chung, người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng 6,5-7,5 triệu động/tháng ở thị trường Lybia, UAE, Ả rập xê út và Macao; từ 5-7 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia; 15-22 triệu đồng/tháng ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số học sinh, sinh viên học nghề hàng năm; đa số tham gia học nghề ngắn hạn, số học nghề dài hạn, trung cấp nghề và cao đẳng nghề còn ít; kết quả tạo việc làm mới cho đồng bào dân tộc thiểu só sau khi học nghề ở nhiều địa phương còn thấp; chất lượng và thu nhập của việc làm chưa cao; khung pháp lý về việc làm chưa hoàn chỉnh, nhiều quy định mới chỉ thể hiện bằng văn bản dưới luật, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, chỉ điều chỉnh đối với lao động có quan hệ lao động, các đối tượng khác như lao động không có quan hệ lao động, lao động nông thôn, lao động là người nghèo,… chưa được quy định và có những chính sách hỗ trợ cụ thể; Chất lượng việc làm chưa cao, viêc làm ở nước ta vẫn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; Hiệu quả sử dụng vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm chưa cao; Năng lực của các Trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm của người lao động; số lượng lao động đăng ký tham gia đề án xuất khẩu lao động thấp, chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu của đề án;…
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao việc xây dựng và thực hiện các chính sách về giảm nghèo từ Trung ương đến các địa phương. Nhìn chung, các chính sách ban hành đều phát huy được tác dụng, đi vào cuộc sống và thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn nhiều; Nhiều chính sách còn chồng chéo, trùng lặp, dàn trải dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng hưởng thụ chưa cao, chưa rõ nét; Vẫn chưa khai thác, huy động được nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo;…Do đó, ông đề nghị Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, sắp xếp lại các chính sách để tránh chồng chéo, manh mún; Phân cấp trong việc thực hiện chính sách, đặc biệt là cấp tỉnh đồng thời phải lồng ghép, kết nối các chính sách để tránh lãng phí nguồn lực giúp công tác giảm nghèo thu được hiệu quả cao.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đoàn giám sát, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị các đơn vị trong Bộ cần phối hợp với Văn phòng giảm nghèo cũng như các ban ngành liên quan tập trung giải quyết các vấn đề: Tập trung làm rõ các chính sách, vấn đề bị chồng chéo, trùng lặp; nghiên cứu, khắc phục các bất cập của các chính sách không thúc đẩy các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; tiếp cận, tìm hiểu và thiết kế chính sách nghèo đa chiều; tập trung vào công tác truyền thông, tuyên truyền để đưa được các chính sách đến người dân, giúp người dân hiểu và tham gia, đồng thời giám sát, đánh giá hiệu quả đạt được của các chính sách./.