Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách và nguồn lực cho công tác giảm nghèo

05/05/2014 15:49:59 Xem cỡ chữ

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tại Hội nghị giao ban các tỉnh phía Bắc triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2014 diễn ra ngày 04/3/2014, tại Hà Nội. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu dự hội nghị quan tâm là chính sách và nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo…

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng Trương Ngọc Lý nêu ý kiến: Công tác giảm nghèo của địa phương đang thực hiện có hiệu quả bằng các nguồn lực tập trung cho các xã nghèo theo Nghị quyết 30a, đến nay còn khoảng 10%,. Mặc dù còn vướng mắc về một số giải pháp thực hiện, biện pháp của chúng tôi là cho các hộ nghèo, địa phương nghèo đăng kí thoát nghèo để tập trung các nguồn lực giải quyết có hiệu quả; đề xuất với tỉnh hỗ trợ các nguồn vay thêm cho hộ nghèo, góp phần cho các hộ có điều kiện làm ăn, xuất khẩu lao động…

Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Hà Nội cho rằng: Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác giảm nghèo rất quyết liệt và có hiệu quả. Ngoài những chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, thành phố còn có một số chính sách đặc thù như cho người nghèo vay vốn bằng các nguồn khác với lãi suất vay từ 0,3 – 0,4%/tháng, hỗ trợ người nghèo việc hỏa táng, lắp điện sau công tơ… Tuy nhiên, hiện nay chính sách trợ giúp người nghèo còn chưa tập trung, chưa hỗ trợ trực tiếp người nghèo thoát nghèo bền vững vì vậy cần nghiên cứu, rà soát lại về chính sách để tập trung hơn, tránh manh mún…

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Quảng Ninh cho biết: Về chỉ tiêu giảm nghèo, căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương xác định tỷ lệ giảm nghèo 1,1%, năm 2014 giảm 0,65%, năm 2015 dự kiến giảm 0,2%. Ngành LĐ-TBXH đã đề xuất với tỉnh hỗ trợ với các hộ nghèo không còn sức lao động để thoát nghèo, thực hiện bằng giải pháp giảm dần hỗ trợ trực tiếp thay bằng các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn để các hộ nghèo tăng thu nhập…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: Sau 15 năm thực hiện công tác giảm nghèo, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả và các công việc hữu quan tới giảm nghèo. Thứ trưởng cũng đã làm rõ một số vấn đề liên quan tới công tác giảm nghèo:

Thứ nhất: Chính sách giảm nghèo hiện nay quá nhiều, đôi khi có sự trùng lắp, chồng chéo. Chính sách thực hiện đang còn cào bằng, chưa thể hiện tính đặc thù của từng nhóm dân cư, vùng miền, đối tượng, nhất là nhóm các chính sách dân tộc. Đồng thời còn mang tính ngắn hạn, hỗ trợ là chính, hiệu quả chưa cao, chưa khuyến khích được người nghèo vươn lên, chưa huy động được sức mạnh của cộng đồng tham gia xây dựng kế hoạch, chính sách, đóng góp nguồn lực, giám sát thực hiện.

Chính sách giảm nghèo mới chỉ nhằm vào đối tượng nghèo trong cộng đồng mà chưa khuyến khích người khá, người giàu trong cộng đồng tham gia vào công tác giảm nghèo, những mô hình người giàu làm kinh tế để thu hút dẫn dắt người nghèo chưa có nhiều.

Thứ hai, nguồn lực bố trí chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, đến nay vẫn còn một số chính sách đã thực hiện xong trong cộng đồng nhưng chưa bố trí nguồn lực. Ví dụ: bà con vay mượn để làm nhà xong nhưng nguồn hỗ trợ chưa có, hoặc chưa kịp thời.

Thứ ba: Chính sách khó lồng ghép, phân khai chậm, huy động cộng đồng chưa được nhiều, sự tổng hợp nguồn lực cho giàm nghèo từ Tung ương tới địa phương chưa thống nhất, chưa xác định được một cách minh bạch, rõ ràng.

Thứ tư: Công tác tổ chức thực hiện còn quá nhiều đầu mối quản lí, chỉ đạo thực hiện, cần gọn vào đầu mối. Ban chỉ đạo giảm nghèo một số địa phương chỉ đạo chưa có hiệu quả, sự phối hợp giữa các ngành chưa tốt. Công tác rà soát, bình xét hộ nghèo một số nơi làm chưa chặt chẽ, còn nảy sinh nhiều thắc mắc, khiếu kiện. Việc xác định hộ nghèo dựa trên sự tính toán, đánh giá chưa đảm bảo theo tiêu chí hướng dẫn mà chủ yếu nặng về bình xét trên cơ sở thống nhất của cộng đồng và chính quyền cơ sở sẽ có sự chủ quan. Việc rà soát hộ nghèo hằng năm còn nhiều tiêu chí chưa trả lời được.

Thời gian tới, theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, chúng ta cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Trong giai đoạn 2013 – 2016, các Bộ ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo rà soát, tổng rà soát lại đồng bộ các chính sách, xem chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào cần sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thực hiện, không để chồng chéo, trùng lắp về chính sách để khắc phục, điều chỉnh…nhằm rút gọn cả về chính sách và văn bản chính sách.

- Giảm hỗ trợ cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện và cho vay để nâng cao tính chủ động vươn lên của hộ nghèo, giảm thiểu sự trì trệ, ỷ lại. Tập trung chính sách, nguồn lực cho những vùng nghèo nhất, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới…là những vùng rốn nghèo là mục tiêu hướng tới để giải quyết nhanh và bền vững.

- Thay đổi cách lập kế hoạch, phải bắt đầu từ cơ sở và tăng cường phân cấp mạnh. Cần tiếp tục phân cấp cho các địa phương, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo. Tăng cường kiểm tra thực hiện chính sách giảm nghèo.

- Khuyến khích người nghèo vươn lên, giải quyết tâm lí không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân, tập trung huy động được sự tham gia của cộng đồng.

- Thực hiện tốt hai nhóm vấn đề: chính sách giảm nghèo và chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Chính sách giảm nghèo được các Bộ, ngành tham gia. Đối với ngành lao động - TBXH xác định là cơ quan thường trực, điều phối, kiểm tra, đánh giá… Các địa phương phải tăng cường vai trò của cơ quan thường trực để gắn kết với các sở, ngành và làm công tác tham mưu có hiệu quả.

- Năm 2014, các địa phương tập trung rà soát các chính sách, đối tượng hộ nghèo, thoát nghèo, tái nghèo từ 2005 đến nay để đóng góp ý kiến với Ban chỉ đạo Trung ương, phục vụ công tác đánh giá giữa kì và các Đoàn giám sát của Quốc hội./.

Theo Bộ LĐTB&XH