Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Người nghèo sẽ không phải trả viện phí

06/05/2014 08:57:08 Xem cỡ chữ

Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định, nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số khi đi khám chữa bệnh phải cùng chi trả 5%; nhóm người cận nghèo phải cùng chi trả 20%... Trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới, người nghèo sẽ không phải trả viện phí. Đó là thông tin từ Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam tại buổi gặp mặt báo chí được tổ chức mới đây.

Theo Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, việc sửa đổi Luật BHYT lần này sẽ làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan; củng cố và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về BHYT; bảo đảm hài hòa quyền lợi và trách nhiệm giữa 3 bên: người bệnh, cơ sở cung ứng dịch vụ và khả năng chi trả của quỹ BHYT, góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế trực tiếp từ tiền túi của cá nhân, hộ gia đình.

Điều quan trọng hơn, theo Vụ BHYT, Bộ Y tế, việc điều chỉnh sửa đổi Luật BHYT đồng hành với các đề án của Bộ Y tế, trong đó có đề án giảm tải bệnh viện. Do đó, dự thảo luật lần này sẽ thu hẹp quyền lợi của bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, sau 4 năm thực hiện Luật BHYT thanh toán cho bệnh nhân trái tuyến, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh: từ 3 triệu lượt (2010) lên 9,5 triệu lượt (2011) và 11,6 triệu lượt (2012).

Một trong những điểm mới nhất của lần sửa đổi này là người nghèo sẽ không phải chi trả tiền viện phí. Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Tống Thị Song Hương cho biết: theo quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với người thuộc hộ cận nghèo... như hiện nay đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là những người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính. Để tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT được  bảo đảm quyền lợi, Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) lần này, quy định người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thay vì 95% như hiện nay; đồng thời, đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo cũng được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh thay bằng mức 80% như hiện nay. 

Có ý kiến băn khoăn về quy định như vậy có làm mất cân đối Quỹ BHYT hay không? Về vấn đề này, theo BHXH Việt Nam, hiện có 14 triệu người thuộc diện hộ nghèo được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT. Năm 2013, tổng số tiền mà người nghèo phải cùng chi trả chiếm khoảng 100 tỷ đồng. Mặc dù, việc bãi bỏ cùng chi trả với người nghèo và người cận nghèo chỉ phải đóng 5% chi phí khám chữa bệnh sẽ không ảnh hưởng đến việc cân đối Quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, không chỉ người nghèo, người cận nghèo khi tham gia BHYT được nâng quyền lợi mà các đối tượng khác nếu tham gia BHYT liên tục cũng sẽ được tăng mức chi trả viện phí… Theo đó, nếu người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ cao chi phí lớn... Đồng thời, mức hưởng BHYT cũng được nâng từ 80% lên 100% chi phí với đối tượng tham gia BHYT là thân nhân của người có công.

Ngoài ra, một điểm mới nữa trong Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) lần này sẽ tăng tính ràng buộc, trách nhiệm với người tham gia BHYT. Bởi hiện nay, độ bao phủ BHYT ở nước ta đạt xấp xỉ 70%, tuy nhiên đối tượng tham gia chủ yếu là diện được hỗ trợ, diện bắt buộc và những người thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Với nhóm 30% còn lại là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, việc vận động tham gia rất khó khăn. Nguyên nhân một phần do quy định tham gia BHYT theo trách nhiệm chưa có tính ràng buộc cao, các chế tài xử phạt không tham gia BHYT vẫn chưa đủ mạnh.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên: nếu không quy định bắt buộc sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là những người khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia BHYT và như vậy chỉ người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT.

Cùng với việc quy định bắt buộc các nhóm đối tượng tham gia BHYT, để tiến tới BHYT toàn dân, cần có chính sách khuyến khích cụ thể, nhất là chính sách BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đã đưa ra quy định những trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng cho các thành viên. Cụ thể, người thứ nhất trong gia đình đóng BHYT đúng mức phí quy định, từ người thứ 2 đến thứ 5 đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% và từ người thứ 6 trở lên đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất…

 

 

Nguồn: daibieunhandan.vn