Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tiếp cận nghèo đa chiều hướng tới giảm nghèo bền vững

06/05/2014 09:01:36 Xem cỡ chữ

Trên thế giới, phương pháp đo lường nghèo đói đang đổi từ đơn chiều sang đa chiều để tăng độ bao phủ chính sách tới các đối tượng. Cách tiếp cận mới này sẽ khuyến khích người nghèo bày tỏ tiếng nói, hộ nghèo tăng tính tự chủ tự vươn lên thoát nghèo. Và là hướng đi được nhiều tổ chức thế giới đề xuất Việt Nam áp dụng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua, hệ thống chính sách giảm nghèo được ban hành khá đầy đủ và toàn diện. Song quá nhiều chính sách lại dẫn đến phân tán nguồn lực, chồng chéo khi thực hiện. Ví dụ như, cùng là dạy nghề, cùng một đối tượng nhưng có thể được triển khai theo các chính sách cho phụ nữ, nông dân hay đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy chính sách cần điều chỉnh như thế nào để nâng cao hiệu quả cho người thụ hưởng, tránh phân tán và chia cách nguồn lực? Chuyên gia tư vấn chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội, thuộc Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Richard Marshall cho rằng, Việt Nam cần bổ sung cách tiếp cận nghèo đa chiều để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Đo lường nghèo đa chiều thì không chỉ dựa trên thu nhập mà còn ở những chiều khác như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội hay sự tham gia xã hội. Song bà Richard Marshall khẳng định, khi chuyển từ phương pháp đo nghèo đơn chiều sang đa chiều thì không phải phủ định tác động của việc đo nghèo bằng thu nhập. Phương pháp đa chiều chỉ là phương pháp bổ sung để cùng với phương pháp đo nghèo thu nhập, giúp cho việc xác định đối tượng và giám sát đối tượng nghèo được hiệu quả hơn.

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng/Chánh văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo nhấn mạnh, cần chuyển từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều đối với đói nghèo và khuyến khích tăng cường vai trò chủ động của người nghèo trong việc chủ động thoát khỏi đói nghèo để bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhưng khi chuyển sang phương pháp đo lường nghèo mới, rõ ràng cũng cần xác định các mục tiêu về giảm nghèo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phương cách giám sát và sự vào cuộc của các tổ chức xã hội... cần đổi mới như thế nào? Đổi mới nào đáng quan tâm trong hệ thống chính sách giảm nghèo tới đây? Những sáng kiến nào cho giảm nghèo bền vững? Nhìn xa thấy trước nhóm cận nghèo và giúp họ vượt gian nan cách gì?

Nhưng có thể thấy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây có văn bản chấn chỉnh việc các địa phương khoán và giao chỉ tiêu giảm nghèo. Theo đó, việc đặt chỉ tiêu giảm nghèo không đồng nghĩa việc các địa phương khoán hoặc giao chỉ tiêu để hoàn thành mục tiêu chung của cả nước. Quy trình hướng dẫn rà soát hộ nghèo hàng năm theo Thông tư số 21 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định rất rõ: việc xác định, rà soát đối tượng nghèo hay không nghèo phải theo 3 bước… nghĩa là căn cứ thực tiễn chứ không có chuyện khoán chỉ tiêu. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cũng khẳng định, từ nay đến năm 2015, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát lại hệ thống chính sách hiện hành, từ đó xây dựng hệ thống chính sách giảm nghèo phù hợp với từng vùng, miền và nhóm người nghèo khác nhau; đồng thời khắc phục những khoảng trống trong các chính sách đối với các nhóm nghèo, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số.

Thực tế, đã có nhiều mô hình thoát nghèo nghe rất hay nhưng khi triển khai thì không dễ. Có nhiều mô hình chỉ áp dụng ở địa phương này nhưng nếu nhân rộng thì phản tác dụng. Vì thế, đề án giảm nghèo đa chiều không thể áp một mẫu số chung thực hiện một mô hình nào đó rồi nhân ra ở tất cả các địa phương nghèo mà phải có khảo sát, phản biện một cách kỹ lưỡng. Đối với việc xóa nghèo với đối tượng là người dân tộc thiểu số, tới đây phải làm theo hướng hỗ trợ cho một nhóm hộ, khác với hướng hỗ trợ cho hộ nghèo hiện nay. Bởi chính sách hướng đến từng hộ nghèo khiến khi dự án rút đi thì người nghèo trở về vạch xuất phát. Theo phương pháp mới, sẽ hỗ trợ cả một nhóm người trong đó có hộ khá, hộ trung bình và hộ nghèo tập trung học hoặc làm một nghề nào đó tạo ra thu nhập. Nhóm hộ này sẽ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất nhiên sẽ có sự giám sát của cộng đồng, của hệ thống chính quyền các cấp để đích đến cuối cùng là cùng thoát nghèo trên vùng đất khó khăn.

 

Nguồn: daibieunhandan.vn