Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em để xóa đói, giảm nghèo

06/06/2014 08:56:24 Xem cỡ chữ

Thời gian qua, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em nghèo (TEN) luôn được Đảng và Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, qua việc thực thi những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ. Đây cũng là một trong những đối tượng được ưu tiên, trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Đầu tư vào TEN  là cách phá vỡ mắt xích chuyển tiếp nghèo     

Hiện nay, nhân dân ở nhiều nơi, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo đói, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này vẫn cao nhất trong cả nước. Trong đó đối tượng bị ảnh hưởng của đói nghèo nhiều nhất chính là trẻ em. Theo kết quả nghiên cứu của Dự án Những cuộc đời trẻ thơ nghèo (Young Lives-YL, một nghiên cứu quốc tế theo chiều sâu trong vòng 15 năm từ 2001 -  2016 về nghèo khổ ở trẻ em), thì nguyên nhân, hậu quả của đói nghèo gây ảnh hưởng rất lớn tới trẻ em. Nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng, thể chất của trẻ em Việt Nam dù chưa thật tốt, nhưng đã được cải thiện nhiều trong những năm qua. Số liệu nghiên cứu của YL tại 5 tỉnh đại diện cho thấy tỷ lệ trẻ 8 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi (chiều cao/tuổi) đã giảm từ 27,6% năm 2002 xuống 19,8% năm 2009. Trong đó, tỷ lệ SDD thể thấp còi của nhóm trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số cao hơn nhiều so với trẻ em người Kinh và nhóm trẻ em không nghèo. 31 tỉnh có tỷ lệ ở mức cao trên 30%, 2 tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên có nhiều trẻ em dân tộc thiểu số đang SDD ở mức rất cao trên 40%. Có thể thấy SDD vẫn còn là thách thức lớn ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nghèo ở biên giới, hải đảo… Đáng quan tâm là SDD thấp còi ở trẻ em, có ảnh hưởng rất lớn về phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, dẫn đến các hậu quả về khả năng nhận thức của trẻ em, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội nói chung trong tương lai. Một đứa trẻ không đủ dinh dưỡng sẽ bị thấp còi cả cuộc đời, một đứa trẻ bỏ học nhiều khả năng sẽ không bao giờ bắt đầu đi học lại. Bởi trẻ em là những chủ nhân của đất nước sau này, nếu sống trong nghèo đói, chất lượng lực lượng lao động lớp kế cận sẽ bị suy yếu, đồng nghĩa với của nền kinh tế quốc gia đi xuống. Vì vậy, đầu tư vào TEN  là cách phá vỡ mắt xích chuyển tiếp nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác và thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói.

 Hỗ trợ TEN giúp  xóa đói, giảm nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), giảm nghèo bằng cách tặng nhà, tặng phương tiện sống... không thể giúp người dân thoát nghèo. Đây là cách xóa nghèo không bền vững. Người nghèo cần tặng cần cầu hơn là cho con cá. Có nghĩa là phải dạy nghề, tạo việc làm (trong nông, lâm, ngư nghiệp, nghề thủ công) cho những hộ gia đình nghèo (là nơi sinh sống của những TEN). Một khi đã có sự hỗ trợ về vốn, về nguyên liệu  để sản xuất, tăng gia thì kinh tế của các gia đình đó mới được đảm bảo và giúp họ xóa nghèo, từ đó tạo điều kiện sống tốt hơn cho TEN.  

Về cơ bản, cần thiết phải có sự dịch chuyển vốn đầu tư từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp sang lĩnh vực phát triển vốn con người, bao gồm: tăng cường hệ thống an sinh xã hội, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và huy động trẻ em đến trường, tạo công bằng trong tiếp cận các cơ sở giáo dục công lập, chăm sóc y tế, dinh dưỡng và bảo hiểm y tế cho trẻ em, các dịch vụ nhà ở (dịch vụ điện, nước, nước và rác thải)… đặc biệt quan tâm đến nhóm TEN, trẻ em dân tộc thiểu số. Đồng thời, ngành giáo dục cần giảm bớt chi phí giáo dục và phát triển các trường dạy nghề vừa học vừa làm cho TEN. Ngoài ra, các em cũng rất cần sự quan tâm đảng bộ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể các cấp ở địa phương, với những biện pháp hỗ trợ các em như mở các lớp học tình thương, bổ túc văn hoá trên địa bàn, giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sớm bước vào cuộc mưu sinh thực hiện đến mức tối đa quyền được đi học, được chăm sóc sức khỏe, được vui chơi giải trí…của chính mình.

Nếu chúng ta nhận thức đúng là mục tiêu phát triển không chỉ là tăng trưởng GDP mà cả phúc lợi cho người dân, thì điều đó sẽ phù hợp và bền vững hơn. Kinh nghiệm gần đây của một số nước cho thấy nếu chỉ có tăng trưởng kinh tế thì chưa đủ, mà cơ hội bình đẳng về giáo dục, việc làm, về tiếp cận các dịch vụ xã hội và có phúc lợi tốt hơn là yếu tố quan trọng để đảm bảo hạnh phúc và chất lượng cuộc sống cho người dân (trong đó có TEN). Đây chính là hướng đi đúng và phù hợp nhất cho mục tiêu tăng trưởng đi đôi với xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ. Điều đó thể hiện qua nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, đối tượng của Chương trình là người nghèo, hộ nghèo; ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em

Theo Bộ LĐTB&XH