Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chất lượng đào tạo nghề và bài toán thoát nghèo

08/08/2014 09:22:05 Xem cỡ chữ

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem là "chìa khóa” giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai Đề án tỷ lệ lao động "sống khỏe” bằng nghề sau đào tạo vẫn khiêm tốn.

"Chìa khóa” giảm nghèo bền vững

Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT là biện pháp quan trọng để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Sau 4 năm triển khai Đề án, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở nhiều địa phương đã đạt được những kết quả nhất định. 

Tại Vĩnh Phúc, theo thống kê của Sở LĐTB & XH tỉnh sau hơn 3 năm triển khai tổ chức đào tạo nghề cho 20.900 lao động. Trong đó, có 4.300 lao động sau khi học nghề được hỗ trợ vay vốn tổ chức sản xuất; 1.600 hộ nghèo có người tham gia học nghề thoát nghèo; tỷ lệ lao động sau khi học nghề chuyển sang làm nghề phi nông nghiệp là 43.600 người. Qua thời gian triển khai cho thấy, từ thói quen lao động manh mún trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề..., nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Cũng giống như tỉnh Vĩnh Phúc, là một tỉnh miền núi trung du nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất được tỉnh Phú Thọ chú trọng. Theo đó, cùng với đào tạo nghề là giải quyết việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Theo thống kê từ năm 2010 đến năm 2013, toàn tỉnh đã có hơn 51 nghìn lượt LĐNT được đào tạo nghề. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt 80,9%, đáng chú ý không ít LĐNT đã tận dụng được thời gian nông nhàn để sản xuất, làm các nghề phi nông nghiệp tăng nhu nhập, ổn định đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,52% năm 2013.

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương đa số hộ dân đã thoát nghèo từ học nghề. Đơn cử như tại Quảng Ninh, trong 3 năm (2011-2013) toàn tỉnh đã có 15.500 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó số lao động đã có việc làm và ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất kinh doanh là trên 10.000 người. Một trong những giải pháp được tỉnh Quảng Ninh quán triệt để cùng với đào tạo nghề là giải quyết việc làm và bao tiêu sản phẩm cho người dân sau khi ứng dụng kỹ thuật dạy nghề. Với cách làm này không chỉ thu hút người dân đi học nghề, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất. 

Tương tự, tại huyện Tân Biên (tỉnh Đồng Nai) với phương châm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT là biện pháp quan trọng để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong năm 2013, toàn huyện Tân Biên đã mở 29 lớp dạy nghề cho LĐNT với 1.015 học viên tham gia. Các nghề đào tạo chủ yếu là: Khai thác mủ cao su, trồng rau sạch, chăm sóc cây cảnh, lái xe ô tô… Kết thúc khóa học có trên 76% lao động sau khi học nghề có việc làm. Đáng chú ý,  mô hình đào tạo nghề khai thác mủ cao su, tỷ lệ lao động có việc làm rất cao sau khi học nghề, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

    

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1956,  trong 4 năm (2010-2013), ngân sách Trung ương đã bố trí cho công tác dạy nghề lao động nông thôn trên 4.873 tỷ đồng, ngoài ra có 12 địa phương tự cân đối được ngân sách, nhiều địa phương bố trí thêm, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án cho hoạt động này. Nhờ đó, đã có 1,615 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề, trong đó 1,5 triệu người đã học xong, gần 1,2 triệu người có việc làm mới, có thu nhập cao. Riêng trong năm 2013, cả nước đã đào tạo nghề cho hơn 1,7 triệu lao động, trong đó hơn 1,5 triệu nông dân được đào tạo theo hình thức ngắn hạn, dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo có nơi đạt tới hơn 90%. 

 

Dạy nông dân làm nghề nông: Dễ mà khó

Từ những con số và dẫn chứng nêu trên cho thấy, lợi ích của chính sách đào tạo nghề cho LĐNT đã đem lại cho người dân ở các vùng nông thôn là khá rõ nét. Chính sách này được xem là mấu chốt nhằm tạo điều kiện để người lao động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn không hề dễ nếu chỉ tập trung vào đào tạo mà không tính đến khâu việc làm sau học nghề.

Phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, dạy nông dân làm nghề nông tưởng dễ nhưng lại rất khó. Đơn cử như tại Lai Châu 90% nông dân tham gia các sản phẩm chủ lực như cao su, chè, lúa chất lượng cao nhưng chương trình đào tạo nghề lại tập trung vào những thứ không thực tiễn như điện tử - điện lạnh, sửa chữa xe máy, vi tính, nuôi công phượng…Hệ quả là dù đã cầm trong tay giấy chứng nhận học nghề người dân vẫn phải thuê lao động nước ngoài dạy cách cạo mủ cao su. Không chỉ ở Lai Châu mà đây là hệ quả tất yếu của việc dạy theo phong trào.

Mặc dù việc triển khai Đề án đạt được nhiều kết quả khá quan trọng, song đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cũng phải thừa nhận: chất lượng chương trình dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, còn nặng về lý thuyết thiếu tính thực hành. Đáng chú ý  việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra vẫn chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng hướng. 

Về điều này, đại diện Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt được mục tiêu của đề án đề ra. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một số địa phương thí điểm sát nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng thực hiện không thống nhất, lúng túng trong tổ chức hoạt động. 

Còn nhớ, thời kỳ đầu khi mới triển khai Đề án đã vấp phải ý kiến của báo chí cho rằng, chương trình dạy quá lỗi thời, thủ công (dạy may, đan lát, mỹ nghệ) thì trong giai đoạn sau việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã được đổi mới hơn, song tiếc là sự đổi mới ấy không dựa trên nhu cầu thực tiễn mà vẫn chỉ là theo phong trào. Thế nên, dù đã đạt được hiệu quả nhất định song việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa thể giúp người dân sống được bằng nghề. 

Trước thực trạng này,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg đã nhấn mạnh: Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề. Đây được xem là giải pháp nhằm hạn chế những tiêu cực, bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, đây là giải pháp giúp người dân thực sự sống được bằng nghề chứ không phải học xong vẫn "mù nghề” như hiện nay.

Nguồn: Đại đoàn kết