Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Năm 2015 tỉnh Yên Bái phấn đấu giảm 7.259 hộ nghèo

12/05/2015 11:01:59 Xem cỡ chữ

CTTĐT- Năm 2015, tỉnh Yên Bái phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 4%. Đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 16,56 %, tương ứng giảm 7.259 hộ nghèo. Trong đó, huyện Trạm Tấu giảm 6,5%, tương ứng giảm 255 hộ nghèo, huyện Mù Cang Chải giảm 6,5%, tương ứng giảm 446 hộ nghèo.

Năm 2015, tỉnh Yên Bái dành 34,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu cụ thế, phấn đấu 100% số hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất được xét duyệt cho vay; 50% hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất để thoát cận nghèo được vay vốn.

100% người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng kinh phí trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

100% hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo quy định.

Phấn đấu đào tạo nghề cho 13.970 người, trong đó người nghèo, cận nghèo chiếm khoảng 35% (trên 70% tỷ lệ lao động sau khi được học nghề có việc làm ổn định).

Trong đó, hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Cụ thể, thực hiện đầy đủ chính sách đào tạo nghề theo quy định của Chính phủ, dạy nghề gắn với tạo việc làm đối với người sau khi được học nghề. Phấn đấu năm 2015 đào tạo nghề cho 13.970 người, có 35% số người nghèo, cận nghèo tham gia học nghề (trên 70% lao động sau khi được học nghề có việc làm ổn định). Kinh phí thực hiện 10,525 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương đảm bảo 6,325 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4,2 tỷ đồng.

Số lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi mới tăng thêm trong năm khoảng 8.620 hộ, mức vay trung bình đạt trên 39 triệu đồng/hộ; số lượt hộ cận nghèo vay vốn đạt 4.682 hộ, mức vay bình quân 28 triệu đồng/hộ. Dự kiến doanh số cho vay hộ nghèo năm 2015 đạt trên 339 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 129,529  tỷ đồng, tổng nguồn vốn đạt 1.850  tỷ đồng.

Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; cải cách để đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ, giúp hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hoá tỉnh Yên Bái năm 2015 - 2016 tại Nghị quyết số 13/2014/NQ-HĐND. Cụ thể, hỗ trợ khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hoá; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa gồm: Hỗ trợ cây con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ theo hướng sản xuất hàng hóa, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để người nghèo được tiếp cận và tham gia, giúp tăng năng suất cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo 34,5 tỷ đồng (không bao gồm vốn Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đối với hai huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải).

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận với các dịch vụ xã hội

Thực hiện cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho khoảng 470.151 người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội. Dự kiến kinh phí 301,296 tỷ đồng. Trong đó: Cấp phát thẻ bảo hiểm y tế là 297,089 tỷ đồng do ngân sách Trung ương đảm bảo và Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng Sông Hồng (vốn vay Ngân hàng Thế giới 4.206,56  triệu đồng).

Về hỗ trợ về giáo dục - đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất về giáo dục vùng nghèo, trong năm 2015 tỉnh Yên Bái phấn đấu số lượt học sinh, sinh viên, trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ khoảng 250.356 lượt. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện 212,665 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện chính sách giáo dục 159,827 tỷ đồng, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất về giáo dục cho vùng nghèo 52,838 tỷ đồng.

Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP; hỗ trợ học bổng cho học sinh cử tuyển theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo ba, bốn, năm tuổi theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ cho học sinh bán trú theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ cho học sinh trung học phổ thông theo Quyết định số 12/2013 ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ gạo theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư cơ sở vật chất về giáo dục cho vùng nghèo.

Đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp , sẽ tiến hành hỗ trợ về đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản cho khoảng 182.421 người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn (xã khu vực II và III) theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí thực hiện do ngân sách Trung ương đảm bảo 18,531 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp tiền điện sinh hoạt cho 40.899 hộ nghèo, 8.000 hộ chính sách xã hội, mức hỗ trợ 46.000 đồng/hộ/tháng. Kinh phí thực hiện do ngân sách Trung ương đảm bảo 26,992 tỷ đồng.  Hỗ trợ trực tiếp kinh phí mua dầu hỏa thắp sáng (5 lít dầu hỏa thắp sáng/hộ/năm) cho khoảng 14.300 hộ đối với nhóm hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới, để các hộ có điều kiện sinh hoạt tốt. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 1,584 tỷ đồng, ngân sách Trung ương đảm bảo.

 

 

Thanh Thủy