Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Trạm Tấu quyết tâm đẩy lùi đói nghèo

14/08/2015 15:51:10 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm tại huyện Trạm Tấu đều cao hơn mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm của Chương trình 30a. Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Trạm Tấu là 77,3%, đến năm 2012 giảm xuống còn là 72,2%, đến năm 2013 giảm xuống còn 66,07% và đến năm 2014 còn 56,2%, như vậy, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo của Trạm Tấu đạt 5,26%.

Lãnh đạo xã Trạm Tấu kiểm tra tình hình phát triển của cây ngô hè thu.

Trạm Tấu là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Toàn huyện có 11 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 77%, dân tộc Thái chiếm 16%, còn lại là các dân tộc khác. Huyện có 12 xã, thị trấn thì cũng cả 11 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Hệ thống giao thông nông thôn, liên thôn, bản hầu như rất hạn chế. Cùng với đó, cơ sở thiết yếu hạ tầng phục vụ đời sống văn hóa, xã hội còn nhiều thiếu thốn. Địa hình đồi núi chia cắt mạnh, thời tiết khắc nghiệt thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, hạn hán, gió lào, rét đậm, rét hại vào mùa Đông. Diện tích đất tự nhiên rộng nhưng quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ít, do phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu dẫn đến năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, vấn đề an ninh lương thực tại chỗ chưa được bảo đảm, vẫn còn nhiều trường hợp phải cứu đói trong mùa giáp hạt. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện theo chuẩn mới là 77,3%.

Thực hiện Nghị quyết 30a tại huyện Trạm Tấu, cần nói đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiệu quả đầu tiên là mô hình chuyển đổi gần 980ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi có thể cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Những năm trước đây, đồng bào dân tộc có tập quán sản xuất lúa nương rẫy, có những thời điểm cả huyện có gần 1.200ha lúa nương. Nhưng từ năm 2009, thực hiện Nghị quyết 30a, huyện đã xây dựng các mô hình trồng ngô trên diện tích sản xuất lúa nương cho hiệu quả kinh tế cao. Để khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa nương sang trồng ngô, huyện đã hỗ trợ 20kg ngô giống và khoảng 2 triệu đồng tiền phân bón cho 1ha chuyển đổi. Trong điều kiện thâm canh bình thường ngô vẫn đạt năng suất trên 4 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 6 - 7 lần lúa nương”.

Minh chứng cho lời nói của mình, ông Hưng đã đưa chúng tôi đến gia đình anh Vàng A Rua, ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu. Đứng trước một quả đồi ngô xanh tốt, anh Rua cho biết: “Trước đây, gia đình mình sản xuất gần 1ha lúa nương. Từ năm 2010, được cán bộ xã và cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lên hỗ trợ ngô giống cùng nhiều loại phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng ngô. Ngay trong vụ đầu tiên, gia đình đã thu hoạch được 4,8 tấn ngô, thu về 32 triệu đồng. Được mùa ngô, gia đình tiếp tục chuyển đổi số diện tích lúa nương còn lại sang trồng ngô, số tiền còn lại một phần để dành cho con cái đi học và mua được xe máy để đi”.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi được 929ha diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, trong đó nhân dân chuyển đổi 885ha, còn lại chuyển đổi thông qua mô hình trình diễn, góp phần giảm diện tích lúa nương từ 1.200ha năm 2010 đến nay xuống còn 250ha. Sản lượng lương thực năm 2014 đạt 19.630 tấn, tăng gần 6.700 tấn so với năm 2010.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ những mô hình trên huyện Trạm Tấu cần nắm rõ thổ nhưỡng, khí hậu để chọn giống cây, giống con phù hợp, nếu có thể nên ưu tiên những giống cây, giống con, người dân cần phải thay đổi, chuyển biến về nhận thức, ý thức tự vươn lên, hoàn thiện bản thân để trở thành nhân tố chủ động trong công cuộc thoát nghèo…

 

 

Hồng Hạnh